Thành phố sụt lún nhanh nhất Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu xây dựng cầu kết hợp đường sắt và đường bộ
Đây sẽ là cây cầu kết nối phía Đông của cao tốc Bắc - Nam về đến địa phương này.
Theo thông tin mới đây, cầu Cần Thơ  2, một dự án cầu đường sắt và đường bộ kết hợp, đang được nghiên cứu và chuẩn bị xây dựng nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông quan trọng nối dài tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến Cà Mau.
>> Bất động sản trở thành 'điểm trũng' của dòng vốn FDI với 2,4 tỷ USD 
Cụ thể hơn, dự án  cầu Cần Thơ 2 đang được xem xét hai phương án đầu tư song song với tiến trình đầu tư tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ. Phương án 1 là cầu đường bộ kết hợp với đường sắt, quy mô 6 làn xe. Phương án 2 là cầu đường bộ riêng biệt với đường sắt.
Hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã phối hợp cùng các chuyên gia và đơn vị đầu ngành để rà soát và hoàn thiện các nghiên cứu cho cầu Cần Thơ 2, dựa trên kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm trong cuộc họp ngày 25/6/2024.
Kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ được trình Bộ GTVT xem xét để tiến hành đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2026-2030.
Theo quy hoạch được duyệt, cầu Cần Thơ 2 sẽ có quy mô 4 làn xe với mặt cắt ngang 24,75m. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giao thông khu vực, dự án hiện đang được nghiên cứu mở rộng quy mô lên 6 làn xe, bao gồm cả phương án hạn chế và hoàn chỉnh.
Ngoài việc mở rộng quy mô, dự án còn chú trọng đến giải pháp xây dựng đường dẫn bằng cầu cạn, nhằm giảm thiểu tác động đến khu vực dân cư hai đầu cầu. Đây là một phần của chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên phương án cầu cạn bê tông cốt thép ngay từ giai đoạn thiết kế.
Cầu Cần Thơ 2 sẽ vượt luồng chính sông Hậu, với khổ thông thuyền rộng 300m và tĩnh không tương đương với cầu Cần Thơ 1 (110x40m). Nhịp chính của cầu sẽ được thiết kế theo kết cấu dây văng, với hai phương án chiều dài nhịp chính là 450m và 550m đang được cân nhắc.
Để đảm bảo kết nối đồng bộ với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao Chà Và (tỉnh Vĩnh Long), dự án đã thực hiện mô hình mô phỏng giao thông tương lai và nghiên cứu bổ sung các giải pháp về vị trí kết nối để lựa chọn phương án tối ưu.
Về nguồn vốn đầu tư, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã nghiên cứu các phương án tài chính, bao gồm Ngân sách Nhà nước, ODA và PPP.
Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu Cần Thơ 2 sẽ nằm cách cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5km về phía hạ lưu, tạo thành điểm kết nối quan trọng cho khu vực.
Cây cầu này dự kiến sẽ có điểm đầu nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại tỉnh Vĩnh Long và điểm cuối kết nối vào cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại nút giao IC2 ở TP. Cần Thơ với tổng chiều dài của cầu được ước tính khoảng 14,65km.
Việc hoàn thành cầu Cần Thơ 2 sẽ tạo ra sự kết nối hiệu quả cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP. HCM đến Cà Mau, đồng thời kết nối với các tuyến cao tốc trục ngang và quốc lộ trong khu vực.
Dự án này sẽ không chỉ giải tỏa được vấn đề ách tắc giao thông mà còn giảm thiểu tai nạn giao thông, đóng góp vào sự phát triển bền vững của hạ tầng giao thông khu vực.
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu đo đạc từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tốc độ sụt lún đất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh gấp 3 lần so với mực nước biển dâng. Trong đó, TP. Cần Thơ bị sụt lún nghiêm trọng nhất, với tốc độ trung bình 1,31cm/năm. Vì thế, việc chống ngập cho thành phố trở thành vấn đề bức thiết.
>> Hai dự án khu đô mới tại tỉnh Quảng Nam có chuyển động mới