Công trình độc đáo '2 trong 1' vừa chống ngập, vừa biểu diễn nhạc nước tại 'thủ phủ miền Tây'
Sau gần 2 năm thi công, công trình này đã hoàn thiện mà mang đến ý nghĩa cả về mặt vật chất lẫn tinh thần tới người dân tại "thủ phủ miền Tây".
Âu thuyền Cái Khế là gói thầu thuộc dự án phát triển TP. Cần Thơ  và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3). Công trình có tổng mức đầu tư gần 437 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào tháng 9/2022 và đã hoàn thành sau gần 2 năm thi công.
Dự án 3 có tổng cộng 14 cống được chia làm 2 âu thuyền gồm Cái Khế và Hàng Bàng, trong đó, âu thuyền Cái Khế là công trình lớn nhất. Âu thuyền Cái Khế gồm 3 khoang cống, mỗi khoang rộng 20m, 1 khoang âu rộng 5m và nhà điều hành công trình để vận hành hệ thống Scada, hệ thống chống ngập cho thành phố. Tác động chống ngập  của công trình này cũng đã được thấy rõ khi ngay từ thời điểm thử nghiệm hoạt động, âu thuyền Cái Khế đã giúp ngăn nước từ sông Cần Thơ tràn vào nội ô. Việc không còn ngập sâu ở nhiều tuyến đường giúp người dân đi lại dễ dàng, hoạt động kinh doanh, mua bán cũng thuận lợi hơn.
Để các cống, âu thuyền hoạt động đồng bộ và mang lại hiệu quả tối ưu, TP. Cần Thơ vừa qua đã vận hành thử nghiệm lần cuối hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho địa phương. Hệ thống này hoạt động tự động, các cảm biến ở nhiều vị trí khác nhau có thể đo lượng mưa, lượng nước để từ đó đưa ra các lệnh đóng hay mở cống, tắt hay mở máy bơm khi cần thiết.
Công trình này không chỉ đóng vai trò chống ngập cho TP. Cần Thơ mà còn được chú trọng về kiến trúc khu vực. Thiết kế công trình Âu thuyền Cái Khế còn có vòm cầu cảnh quan kết hợp biểu diễn hệ thống chiếu sáng nghệ thuật và nhạc nước. Các hệ thống kè kết nối vào cống và 1 trạm bơm dự phòng công suất 48m3/s cùng một số hạng mục phát sinh như khuôn viên nhà quản lý, cây xanh tạo cảnh quan tại công trình.
Theo chia sẻ từ đơn vị đầu tư, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công trình vẫn đang đối mặt với một số khó khăn và vướng mắc. Hiện nay, nhà thầu đang tiến hành chi trả bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công. Do số lượng hộ dân bị ảnh hưởng lớn, công tác chi trả bồi thường dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 31/10/2024.
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây được mệnh danh là Tây Đô - thủ phủ của Tây Nam Bộ từ hơn trăm năm trước. Ngày nay, Cần Thơ đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa và là đầu mối giao thông quan trọng của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn quốc.
>> Nam Long có thể tung 'quân bài chiến lược' tại Cần Thơ vào cuối năm nay