Cao tốc huyết mạch qua sân bay lớn nhất Việt Nam sắp tăng phí 7%
Mức phí mới dự kiến sẽ tăng từ 2.100 đồng/PCU/km (với PCU là đơn vị xe quy đổi, tương ứng xe từ 4-7 chỗ) lên 2.240 đồng/PCU/km, tức tăng khoảng 7%.
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới đây đã đề xuất điều chỉnh mức thu phí trên tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây .
Cụ thể, mức phí mới dự kiến sẽ tăng từ 2.100 đồng/PCU/km (với PCU là đơn vị xe quy đổi, tương ứng xe từ 4-7 chỗ) lên 2.240 đồng/PCU/km, tức tăng khoảng 7%.
Mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Hiện VEC đang hoàn tất các thủ tục liên quan trước khi chính thức thông báo và triển khai áp dụng.

Hiện tại, mức phí sử dụng tuyến cao tốc này được tính theo từng loại xe và chiều dài quãng đường, cụ thể: Ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt có mức phí từ 24.000-78.000 đồng/lượt; ôtô từ 12-30 chỗ, xe tải 2-4 tấn từ 36.000-117.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4-10 tấn từ 47.000-157.000 đồng/lượt; xe tải 10-18 tấn, container 20 feet từ 53.000-187.000 đồng/lượt; còn mức phí cao nhất, từ 85.000-295.000 đồng/lượt, áp dụng cho xe tải trên 18 tấn và container loại 40 feet.
Theo VEC, các dự án cao tốc do Tổng Công ty đầu tư, trong đó có tuyến TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đều đã được phê duyệt phương án tài chính kèm quy định cụ thể về mức thu và lộ trình điều chỉnh, theo đó cứ ba năm sẽ điều chỉnh một lần với tỷ lệ tăng 12% mỗi lần. Việc này nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án và phù hợp với khả năng hoàn trả các khoản vay đã sử dụng cho giai đoạn đầu tư ban đầu.
Trước đó, Ban Quản lý Dự án 7 đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định chủ trương đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc đoạn TP. HCM - Long Thành.
Theo như báo cáo của Ban Quản lý Dự án 7, thống kê từ năm 2015-2023 cho thấy, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng, trung bình khoảng 10,82%/năm.
Theo tính toán, hiện nay nhu cầu vận tải đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã mãn tải 4 làn xe.Vì thế, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành là cần thiết và cấp bách.
Theo phương án đề xuất của Ban quản lý dự án 7, phạm vi đầu tư mở rộng tuyến có tổng chiều dài gần 22km.
Điểm đầu dự án tại Km4+000 (nút giao Vành đai 2), thuộc địa phận TP. Thủ Đức, TP. HCM; điểm cuối tại Km25+920 (nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu), thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Theo phương án đầu tư, Ban Quản lý dự án 7 dự kiến tổng mức đầu tư toàn dự án là hơn 15.337 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024.
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là hơn 967 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 11.116 tỷ đồng; chi phí thiết bị gần 99 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác hơn 1.126 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 1.980 tỷ đồng.
Dự án được đề xuất chia thành 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 là mở rộng đường cao tốc đoạn TP. HCM – Long Thành; dự án thành phần 2 bao gồm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn đi qua TP.HCM; và dự án thành phần 3 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai.
Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong quý III/2025 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
>> Tập đoàn Trung Nam đề xuất ‘gỡ khó’ dự án khu đô thị sinh thái gần 4.500 tỷ 
Dự chi hơn 15.000 tỷ 'lên đời' tuyến cao tốc huyết mạch đi qua sân bay lớn nhất Việt Nam 
Cao tốc hơn 35.000 tỷ kết nối Quảng Ngãi với tỉnh lớn thứ tư Tây Nguyên đón tin vui