Tháo chạy khỏi phương Tây, tiền Trung Quốc chảy về đâu?
Doanh nghiệp Trung Quốc rót tiền vào các nhà máy ở Đông Nam Á trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng.
Cách đây vài năm, dòng tiền đầu tư của người Trung Quốc tràn ngập ở các nước giàu có phương Tây: thực hiện nhiều thương vụ quy mô lớn, thâu tóm những tài sản giá trị cao, từ những ngôi nhà xa xỉ cho đến khách sạn 5 sao tại New York, công ty hóa chất tại Thụy Sỹ hay công ty robot của Đức.
Năm 2016, các doanh nghiệp Trung Quốc chi đến 84 tỷ USD cho G7, chiếm một nửa tổng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài thì vào năm 2022, con số này tụt xuống chỉ còn 7,4 tỷ USD và chỉ chiếm 18% tổng số.
Dòng tiền Trung Quốc tháo chạy khỏi các nước phương Tây
Thay vì đổ tiền vào thế giới phương Tây, giới đầu tư Trung Quốc lại rót tiền vào các nhà máy tại Đông Nam Á, các dự án khai mỏ và năng lượng tại châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ, theo tờ Wall Street Journal.
Trong năm nay, nước nhận nhiều đầu tư nhất từ Trung Quốc chính là quốc gia giàu nickel – Indonesia, theo tính toán ban đầu của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI). Nickel là một thành tố quan trọng trong nhiều loại pin được sử dụng trong xe điện.
Riêng Indonesia chiếm khoảng 17% trong tổng số 29,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, đứng đầu trong số các thị trường nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản của mình.
Sự thay đổi trong dòng chảy tiền đầu tư cho thấy Trung Quốc đang phản ứng ra sao trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, đồng thời tăng cường liên kết thương mại và đầu tư với các khu vực khác trên thế giới, theo cách có thể tạo ra những đường đứt gãy mới trong nền kinh tế toàn cầu.
Việc Trung Quốc rút vốn khỏi Phương Tây có thể làm giảm các cơ hội việc làm ở một số thị trường, hạn chế khả năng tiếp cận tài chính của nhiều doanh nghiệp công nghệ. Nói rộng hơn, sự thay đổi này là dấu hiệu của một thế giới trong đó toàn cầu hóa đang suy giảm và căng thẳng địa chính trị nhiều khả năng khó sớm chấm dứt.
Đầu tư ra nước ngoài suy giảm mạnh
Trước năm 2016, Trung Quốc đã tích cực khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư ra nước ngoài nhằm gia tăng sức ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư Trung Quốc từ năm 2016. |
Các doanh nghiệp lớn như HNA và Dalian Wanda đã rót tiền vào các ngân hàng, chuỗi khách sạn và rạp chiếu phim trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đến năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trên toàn cầu giảm xuống còn khoảng 147 tỷ USD, từ mức đỉnh 196,15 tỷ USD vào năm 2016 - theo dữ liệu từ Cơ quan Thương mại và Phát triển thuộc Liên hiệp quốc.
Điều này là do hoạt động mua bán và sáp nhập của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài giảm mạnh và Bắc Kinh thắt chặt các quy định để hạn chế dòng vốn chảy ra bên ngoài.
Dù Bắc Kinh đã mở cửa trở lại sau nhiều năm thực hiện chính sách Zero-Covid từ cuối năm ngoái, việc doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư mạnh tay như trước thời kỳ dịch COVID-19 khó trở lại bởi nhiều lý do khách quan.
Đồng nhân dân tệ đang suy yếu, khu vực tư nhân đang gặp khó khăn và việc Bắc Kinh tập trung xây dựng nền kinh tế trong nước để tăng cường khả năng tự cung tự cấp cũng sẽ làm giảm dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, theo Wall Street Journal.
Thợ điêu khắc Trung Quốc kiếm bội tiền nhờ bán tượng ông Trump ngồi thiền 
NHTW Trung Quốc tiếp tục tung biện pháp chưa từng có để cứu nhân dân tệ