Vĩ mô

Tháo gỡ khó khăn nội tại cho xuất khẩu rau quả

Ánh Ngọc 30/05/2024 - 19:02

Siết quản lý mã số vùng trồng, nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, thu hút đầu tư chế biến sâu, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng đồng đều… là những yêu cầu bắt buộc mà ngành hàng rau quả phải đáp ứng để xuất khẩu theo hướng bền vững.

Những vấn đề tồn tại chưa được giải quyết

Nhìn nhận về những tồn tại của ngành hàng rau quả xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn phân tích: quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và DN chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, phần lớn sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu.

Xuât khẩu sầu riêng lập nhiều kỷ lục về sản lượng và giá trị. Ảnh minh họa
Xuât khẩu sầu riêng lập nhiều kỷ lục về sản lượng và giá trị. Ảnh minh họa

Trong khi đó, một số DN chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); một số DN chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Theo phân tích của Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, vấn đề về chất lượng rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp đến là vấn đề tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được, mà cốt lõi là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ khi thị trường biến động.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, chất lượng liên quan đến khâu sản xuất (từ vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói) làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra trường hợp vi phạm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là khâu thu hoạch sản phẩm, tránh để xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán. Ngoài ra, về hiệu quả của các FTA đã ký, dù đã có sự cải thiện giúp DN thu được lợi nhuận nhưng chưa đạt được kỳ vọng.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo, hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng trong thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là tỷ lệ lạm phát ở nhiều quốc gia vẫn ở mức cao; một số nền kinh tế lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; yêu cầu về quy chuẩn, chất lượng sản phẩm ngày càng gia tăng…

Cốt lõi là chất lượng sản phẩm

Đề cập về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin: Bộ NN&PTNT tiếp tục tái cơ cấu ngành rau quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời làm tốt việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Hiện nay, Bộ đang xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định trên thị trường truyền thống cũng như mở rộng tại các thị trường tiềm năng.

Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

“Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư; thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu; nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu rau quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Hiệp hội ngành hàng cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt tới hộ sản xuất, doanh nghiệp và hội viên đầy đủ và kịp thời về các chỉ đạo, chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về sản xuất, xuất khẩu. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp và hội viên tiếp cận thông tin, khai thác tối đa ưu đãi từ các FTA, đồng thời đảm bảo đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường, những yêu cầu hoặc thích nghi kịp thời với động thái chính sách của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Hiệp hội ngành hàng hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch. Tư vấn cho các địa phương trong việc tổ chức, quy hoạch vùng trồng đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, hướng dẫn hội viên xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, thương hiệu của ngành và thương hiệu quốc gia.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu ngành hàng này tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là các loại trái cây như sầu riêng, dưa hấu, xoài.

Xuất khẩu rau củ quả 'bùng nổ', lập kỷ lục mới - vượt 1 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm

Tin tức kinh tế ngày 23/5/2024: xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm cao kỷ lục

Xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng trong các sản phẩm nông sản

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/thao-go-kho-khan-noi-tai-cho-xuat-khau-rau-qua.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tháo gỡ khó khăn nội tại cho xuất khẩu rau quả
    POWERED BY ONECMS & INTECH