Không những số lượng giảm 3,5% mà tổng tài sản ròng của các tỷ phú trên thế giới cũng bay mất 11.000 tỷ USD sau khoảng thời gian thăng hoa lúc đại dịch.
Fortune dẫn báo cáo của công ty theo dõi dữ liệu Altrata cho thấy tổng số tỷ phú trên thế giới đã giảm 3,5%. Đồng thời, tổng tài sản ròng của các tỷ phú cũng bay mất 11.000 tỷ USD sau khoảng thời gian thăng hoa lúc đại dịch.
Cụ thể, khoảng 3/4 số tỷ phú trên thế giới tập trung chủ yếu ở 15 quốc gia nhưng có tới 11 quốc gia trong số này lại đang mất dần các tỷ phú.
"Do sự suy thoái diện rộng trên thị trường vốn toàn cầu, tài sản của các tỷ phú ở cấp độ cá nhân và quốc gia trở nên đa dạng hơn và cũng biến đổi mạnh mẽ hơn", báo cáo của Altrata cho biết.
Top 5 quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới
Mỹ vẫn đang là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới, với 955 người, chiếm khoảng 30% tổng số lượng tỷ phú toàn cầu. Các tỷ phú Mỹ sở hữu khối tài sản ròng có tổng giá trị khoảng 4.200 tỷ USD, chiếm 38% tổng tài sản ròng của các tỷ phú trên toàn cầu.
Mặc dù là quốc gia dẫn đầu về cả hai khía cạnh trên, song Mỹ cũng chứng kiến sự sụt giảm 2,1% về số lượng tỷ phú từ đầu năm đến nay.
Dù vậy, mức giảm này vẫn chưa thể bằng mức giảm 10% của Trung Quốc. Báo cáo cho rằng sự suy giảm tại Trung Quốc là do “giá cổ phiếu trượt dốc, các lệnh phong tỏa dịch COVID-19 nghiêm ngặt, ngành bất động sản lao đao và nền kinh tế suy yếu”.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là quốc gia có số lượng tỷ phú nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Trong khi đó, Đức là quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu không phải chứng kiến sự suy giảm về số lượng tỷ phú. Bất chấp các tác động từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, các tỷ phú tại quốc gia này chỉ giảm khoảng 8% tổng tài sản tích lũy.
Đất nước này vẫn có số lượng tỷ phú lớn nhất ở châu Âu, đứng thứ 3 trong danh sách trên toàn cầu. Tiếp theo là Anh và Ấn Độ, cũng không tránh khỏi tình trạng số lượng tỷ phú sụt giảm.
Bất bình đẳng thu nhập
Sự tồn tại của các tỷ phú cũng thể hiện sự bất bình đẳng trong thu nhập toàn cầu.
Tại Mỹ, khoảng cách này còn nhảy vọt vài chục lần sau một thập kỷ, khi 40 năm trước chỉ có 13 tỷ phú ở đây.
Thậm chí, một số tỷ phú hàng đầu tại Mỹ hiện tại như CEO Tesla Elon Musk, nhà sáng lập Amazon Bezos, “thần chứng khoán” Buffett hiện có tổng tài sản lớn hơn cả số dư tiền mặt của Bộ Tài chính nước này.
Trong thời kỳ dịch bệnh, chính sách “nới lỏng định lượng” điên cuồng cắt giảm lãi suất và in tiền ở các nước Âu Mỹ đã thúc đẩy giá bất động sản và thị trường chứng khoán tăng cao, khiến tài sản của người giàu càng cao hơn.
Cụ thể, tài sản của giới siêu giàu như Bezos, Gates và Zuckerberg đã tăng hơn 430 tỷ USD trong hai tháng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, mức tăng gần 15%.
Một năm sau khi dịch bùng phát, 20 triệu người Mỹ mất việc làm. Nhưng có 650 tỷ phú Mỹ có giá trị tài sản ròng tăng hơn 1 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian một năm này, đạt tới con số đáng kinh ngạc là 4 nghìn tỷ.
Đầu năm ngoái, Oxfam đã công bố nghiên cứu mang tên "Sự bất bình đẳng chết người", sau đại dịch COVID-19, khi thu nhập của 99% người dân thế giới giảm sút thì tài sản ròng của 10 người giàu nhất thế giới lại tăng gấp đôi, sau 1 năm sự phân hóa này lại càng tăng.
Công ty riêng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng 'bất ngờ' ra mắt dòng bia mới mang tên Hanoi Autumn