Thẻ ATM sẽ không thể giao dịch và nhận tiền nếu bị ‘đóng băng’ trong khoảng thời gian này
Trước khi khóa thẻ, ngân hàng thường thông báo cho khách hàng qua tin nhắn, email hoặc điện thoại.
Mỗi ngân hàng có những quy định riêng về thời gian khóa giao dịch 2 chiều (không thể giao dịch và không nhận tiền) của một chiếc thẻ ATM. Tuy nhiên, các nguyên nhân phổ biến thường bao gồm:
- Không giao dịch trong thời gian dài: Nếu thẻ không phát sinh bất kỳ giao dịch nào (nạp tiền, rút tiền, thanh toán, chuyển khoản...) trong khoảng từ 6 đến 18 tháng, ngân hàng có thể tiến hành khóa thẻ.
- Số dư tài khoản không đủ: Nếu số dư trong tài khoản hết hoặc giảm xuống dưới mức tối thiểu theo quy định ngân hàng, thẻ cũng có nguy cơ bị khóa sau một thời gian.
Vì vậy, để tránh trường hợp bị ngân hàng khóa thẻ, người dùng nên chủ động tìm hiểu, kiểm tra các quy định về thẻ tại ngân hàng đang sử dụng. Theo đó, người dùng có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng để biết chính xác thời gian và điều kiện khóa thẻ.
Ngoài ra, để tránh bị khóa thẻ, khách hàng cần đảm bảo duy trì một số dư tối thiểu, đồng thời nên thực hiện ít nhất một giao dịch như nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn... trong khoảng thời gian quy định của ngân hàng.
Lưu ý, ngay cả khi không sử dụng thẻ, các loại phí như phí quản lý tài khoản, phí thường niên, phí dịch vụ SMS Banking và Internet Banking vẫn sẽ bị trừ cho đến khi số dư tài khoản cạn kiệt.
Trước khi khóa thẻ, ngân hàng thường thông báo cho khách hàng qua tin nhắn, email hoặc điện thoại. Khi thẻ bị khóa, người dùng cần liên hệ ngân hàng để làm thủ tục mở lại thẻ.
Thẻ ATM sẽ bị khóa nếu không sử dụng trong thời gian dài. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 18/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, những trường hợp khách hàng có thông tin không hợp lệ sẽ bị tạm ngừng giao dịch trực tuyến và khóa thẻ. Cụ thể:
Khách hàng sử dụng giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân (CMND), Căn cước công dân (CCCD), hộ chiếu đã hết hiệu lực. Theo quy định tại Luật Căn cước 2023 (Luật số 26/2023/QH15), các loại CMND cũ (9 số và 12 số) sẽ chỉ còn giá trị sử dụng trong các giao dịch đến hết ngày 31/12/2024.
Do đó, nếu khách hàng không cập nhật giấy tờ tùy thân mới còn hiệu lực và đầy đủ thông tin lên hệ thống ngân hàng thì sẽ bị khóa thẻ và không thể thực hiện bất cứ giao dịch nào, từ rút tiền, chuyển khoản đến thanh toán trực tuyến.
Không chỉ vậy, việc không xác thực sinh trắc học cũng sẽ khiến tài khoản bị dừng giao dịch trực tuyến từ ngày 1/1/2025.
Không chỉ đối với khách hàng cá nhân trong nước, khách hàng nước ngoài cư trú tại Việt Nam có giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú hết hiệu lực cũng sẽ bị dừng giao dịch và khóa thẻ.