THẾ GIỚI 24H: Mỹ - Nga nhất trí lập tức đàm phán kết thúc xung đột ở Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Trong điện đàm, hai bên nhất trí bắt đầu đàm phán chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine “ngay lập tức”.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. |
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi trong 90 phút và ông Putin đã mời ông Trump đến Moscow. Trong bài đăng trên Truth Social, Tổng thống Mỹ cho biết ông và nhà lãnh đạo Liên bang Nga có một cuộc điện đàm dài và cực kỳ hiệu quả, đều đồng ý “chấm dứt những cái chết của hàng triệu người trong cuộc chiến giữa Liên bang Nga và Ukraine ”. “Chúng tôi đã đồng ý hợp tác chặt chẽ, bao gồm cả việc thăm viếng lẫn nhau. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí để các đội đàm phán của mình bắt đầu thương lượng ngay lập tức. Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc gọi điện cho Tổng thống Zelensky của Ukraine để thông báo về cuộc trao đổi này – và tôi sẽ làm điều đó ngay bây giờ”, Tổng thống Mỹ viết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bác bỏ nhiều tham vọng của chính quyền Ukraine . Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã gây chú ý khi tham dự cuộc họp đầu tiên của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine vào ngày 12/2 với những phát biểu đi ngược lại quan điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng khẳng định. Trong tuyên bố của mình, ông Hegseth nhấn mạnh việc giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà quân đội Nga đang kiểm soát là một mục tiêu "không thực tế", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm kết thúc xung đột bằng biện pháp ngoại giao.
Tổng thống Ukraine lên tiếng về đề xuất đổi đất hiếm lấy vũ khí của ông Trump. Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết có thể trao cho các doanh nghiệp Mỹ cơ hội khai thác, một khối lượng lớn tài nguyên. “Như tôi đã nói về uranium hoặc titan, chúng tôi có lượng tài nguyên lớn nhất ở châu Âu. Tôi nghĩ việc bảo vệ chúng là rất quan trọng để nó không rơi vào tay người Nga, hoặc những người mà người Nga có thể cung cấp như Iran, Triều Tiên, và Trung Quốc. Tôi nghĩ điều đó không có lợi cho Mỹ”, ông Zelensky nói. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Kiev "về cơ bản đã đồng ý" cho Mỹ quyền tiếp cận hoạt động khai thác khoáng sản trên lãnh thổ Ukraine trị giá khoảng 500 tỷ USD để đổi lấy viện trợ.
Nga đáp trả gay gắt ý tưởng trao đổi lãnh thổ của Ukraine. Ngày 12/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng, bác bỏ khả năng trao đổi đất đai với Ukraine trong thỏa thuận hòa bình. "Những kẻ đang tung hoành tại tỉnh Kursk sẽ nhận được đất mà không cần trao đổi. Đó là mảnh đất rộng 1 mét, dài 2 mét và sâu khoảng 1,5 mét", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết. Theo hãng tin RT của Nga, lời nói của bà Zakharova có thể đang ám chỉ đến một ngôi mộ.
Cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump nhận tội lừa đảo . Ngày 11/2, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon, đã nhận tội lừa đảo các nhà tài trợ trong kế hoạch xây tường biên giới ở phía Nam nước Mỹ. Trong phiên điều trần tại Tòa án Hình sự New York, ông bị kết án 3 năm tù treo, song không phải trả bất kỳ khoản tiền bồi thường nào. Theo công tố viên Jeffrey Levinson, bị cáo Bannon không phải bồi thường vì các đồng phạm của ông đã trả lại hàng triệu USD cho các nạn nhân.
Syria ấn định thời điểm thành lập chính phủ mới, cam kết tái thiết đất nước. Ngày 12/2, Ngoại trưởng lâm thời của chính phủ chuyển tiếp Syria, ông Asaad Al-Shaibani, thông báo chính phủ mới của nước này sẽ được thành lập vào tháng Ba tới. Ông cũng cho biết một bản hiến pháp mới sẽ được ban hành, làm cơ sở pháp lý cho tất cả công dân. Ông Al-Shaibani kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ chính phủ mới của Syria bằng cách thúc đẩy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Triều Tiên cắt đứt kênh liên lạc kiểm soát không lưu với Hàn Quốc. Ngày 12/2, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã thông báo cho Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về kế hoạch cắt đứt kênh liên lạc kiểm soát không lưu với Hàn Quốc. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Triều Tiên năm ngoái đã thông báo cho ICAO rằng sẽ ngừng vận hành kênh liên lạc này từ năm 2025, nhưng Hàn Quốc đã nhiều lần bày tỏ sự cần thiết phải duy trì đường dây liên lạc trực tiếp này.
Châu Âu tham vọng chạy đua AI với Mỹ và Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh hành động về trí tuệ nhân tạo ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đất nước hình lục lăng "trở lại cuộc đua AI". Tuyên bố táo bạo này được đưa ra sau khi ông Macron trình làng khoản đầu tư 112,8 tỷ USD vào AI tại quốc gia này. Tuy nhiên, nó cũng nhấn mạnh mong muốn của châu Âu, do Pháp dẫn đầu, là trở thành một phần của cuộc thảo luận xung quanh sự lãnh đạo và đổi mới AI mà cho đến nay vẫn do Mỹ và Trung Quốc thống trị.
Người Đan Mạch đòi mua California với giá 1.000 tỷ USD. Đáp trả lời đề nghị mua Greenland của Tổng thống Donald Trump, hơn 200.000 người Đan Mạch đã ký vào bản kiến nghị mang tính trào phúng đòi mua lại bang California của Mỹ. Bản kiến nghị này với mục tiêu gây quỹ cộng đồng 1.000 tỷ USD và nhận được 500.000 chữ ký. Bản kiến nghị hiện chỉ thu thập chữ ký chứ không phải tiền quyên góp.
Lãnh đạo tối cao Iran kêu gọi tăng cường năng lực phòng thủ . Ngày 12/2, lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei nhận định Iran nên phát triển hơn nữa năng lực quân sự, bao gồm cả tên lửa. Tuyên bố được đưa ra sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực đối với Tehran nếu nước này từ chối đàm phán về chương trình hạt nhân.
>> Ông Trump ám chỉ Ukraine có thể trở thành một phần của Nga 
Ông Dmitry Medvedev bác đề xuất trao đổi lãnh thổ của Tổng thống Ukraine 
Ông Trump ám chỉ Ukraine có thể trở thành một phần của Nga