Thế giới sẽ thay đổi ra sao sau khi Mỹ áp thuế cao vọt?
Ngày 9/4, chính sách 'thuế quan đối ứng' của Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực, với mức thuế cao ngất ngưởng áp lên hàng loạt đối tác thương mại lớn, từ Trung Quốc, EU đến các nước Đông Nam Á.
Kế hoạch thuế quan chưa từng có
Ngày 2/4 - ngày được Tổng thống Mỹ Donald Trump coi là "Ngày Giải Phóng" của nước Mỹ, Nhà Trắng đã công bố một kế hoạch thuế quan chưa từng có với tham vọng của ông Trump tái định hình trật tự thương mại toàn cầu.
Cụ thể, từ ngày 5/4, mức thuế tối thiểu 10% được áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng bước ngoặt thực sự xảy ra trong vài tiếng nữa, trong phiên giao dịch ngày 9/4 tại Mỹ (rạng sáng 10/4 giờ Việt Nam), khi mức thuế đối ứng cao hơn, dao động từ 11% đến gần 50%, chính thức có hiệu lực với khoảng 60 quốc gia/vùng lãnh thổ được cho là có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Đỉnh điểm là mức thuế 104% áp lên Trung Quốc, phản ứng sau khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế trả đũa 34% lên hàng hóa Mỹ.
Như vậy, Trung Quốc là nước có thể chịu mức thuế cao nhất, lũy kế lên tới 104% kể từ 9/4, với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD, từ linh kiện điện tử đến hàng tiêu dùng. Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với thuế suất 20%, ảnh hưởng đến các ngành ô tô, rượu vang và nông sản. Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt chịu mức thuế 24% và 25%, tác động đến ngành công nghệ và ô tô.
Việt Nam đối mặt với mức thuế 46%, các mặt hàng chủ lực như dệt may, điện tử và đồ gỗ... có thể bị ảnh hưởng nặng. Campuchia chịu mức thuế 49%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ông Trump để ngỏ khả năng hoãn, lùi hoặc giảm thuế suất nếu các quốc gia đồng ý đàm phán và nhượng bộ. Với Trung Quốc, ông Trump tỏ ra cởi mở nhưng cứng rắn, nhấn mạnh Bắc Kinh phải chủ động liên hệ để đạt thỏa thuận.
Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận, cũng được kỳ vọng sẽ sớm đạt được các cuộc thương thảo để tránh thuế cao. Trong khi đó, Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao đề nghị hoãn thuế để đàm phán.
Tác động tức thì lên thị trường toàn cầu đã rõ rệt. Chỉ vài ngày sau tuyên bố (ngày 2/4), thị trường chứng khoán Mỹ mất vài nghìn tỷ USD vốn hóa. Chứng khoán châu Á, từ Tokyo đến TPHCM, đồng loạt lao dốc, trong khi giá vàng lập đỉnh mới ở mức 3.169 USD/ounce do nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn. Giá hàng hóa như thép, nhôm và dầu mỏ biến động mạnh, phản ánh sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Với Trung Quốc, mức thuế 104% đe dọa mạnh tới hoạt động xuất khẩu của nước này, trong khi EU đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao do chi phí hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ tăng vọt. Các nước Đông Nam Á lo ngại mất lợi thế cạnh tranh trước Mexico hay Ấn Độ - những quốc gia ít chịu ảnh hưởng hơn.
Tính toán chiến lược của Mỹ và rủi ro toàn cầu
Chính quyền Trump không chỉ sử dụng thuế quan như một công cụ kinh tế mà còn là vũ khí chiến lược để buộc các quốc gia tái định hướng thương mại theo mong muốn của ông Trump “America First” (nước Mỹ trên hết).
Nhiều khả năng các nước sẽ phải giảm thuế quan mạnh mẽ đối với hàng hóa của Mỹ, đưa ra các cam kết tăng nhập khẩu cũng như tăng cường hợp tác về khoáng sản, về giao thương và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Trong một diễn biến gần đây, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu hàng chục nguyên tố đất hiếm sang Mỹ từ ngày 10/4. Điều này có thể đẩy chi phí sản xuất công nghệ cao lên mức báo động, ảnh hưởng tới hoạt động của các tập đoàn công nghệ, quốc phòng lớn của Mỹ.
Ngoài ra, một đồng USD mạnh và khả năng kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu của Mỹ cũng là điều mà ông Trump thường nhắc tới.
Có thể thấy, tính toán chiến lược của Mỹ tập trung vào ba mục tiêu: giảm thâm hụt thương mại, đưa sản xuất về nội địa và củng cố vị thế siêu cường kinh tế. Ông Trump lập luận rằng thuế quan sẽ buộc các nước mua thêm hàng hóa Mỹ, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp như Apple hay Nike chuyển chuỗi cung ứng về Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chính sách này có thể phản tác dụng. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính mỗi gia đình Mỹ sẽ tốn thêm 2.600 USD/năm do giá hàng hóa tăng, trong khi lạm phát có thể đẩy Fed vào thế khó, làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ phân mảnh, khi các nước chuyển từ thương mại tự do sang bảo hộ và nội địa hóa sản xuất. EU và Nhật Bản có thể tăng cường liên kết thương mại với nhau để giảm phụ thuộc vào Mỹ, trong khi các nước nhỏ phải đa dạng hóa thị trường để tránh tổn thất.
Trật tự kinh tế toàn cầu đứng trước ngã rẽ. Nếu Mỹ thành công, các hiệp định thương mại đa phương như WTO sẽ mất vai trò, nhường chỗ cho các thỏa thuận song phương theo chuẩn Mỹ. Ngược lại, nếu thất bại, ảnh hưởng của Washington có thể suy giảm. Dù kết quả ra sao, ngày 9/4 sẽ là cột mốc lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên thương mại đầy biến động.
>> Thương chiến Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới kinh tế thế giới?