Thẻ ngân hàng - cần phân biệt tính năng để tránh mất tiền oan
Hiện nay có rất nhiều loại thẻ ngân hàng đang lưu hành, từ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ATM... và các chủ thẻ cần tìm hiểu rõ chức năng từng thẻ trước khi dùng.
Ngày nay, thẻ ngân hàng ngày càng trở nên quan trọng hơn với mọi người. Việc sử dụng thẻ ngân hàng không chỉ để bảo quản tài sản an toàn hơn mà còn rất thuận tiện khi muốn chuyển khoản, mua sắm.
Các ngân hàng cũng đã cho ra mắt rất nhiều loại thẻ ngân hàng với những tính năng khác nhau. Mỗi loại thẻ có những ưu, nhược điểm khác nhau, phù hợp với từng nhu cầu của người dùng. Do vậy cũng hoàn toàn dễ hiểu khi trong ví người dùng hiện nay có rất nhiều những tấm thẻ ngân hàng.
Tuy vậy, hiểu thế nào cho đúng chức năng những tấm thẻ, để sử dụng hiệu quả nhất và tránh bị mất tiền oan?
Thẻ ATM
Thẻ ATM được xem là tấm thẻ ngân hàng phổ biến nhất. Về cơ bản, đây là loại thẻ ghi nợ nội địa, được sử dụng rộng rãi nhất, dùng để rút tiền từ tài khoản cá nhân từ hệ thống ATM toàn quốc.
ATM cũng có nhiều chức năng như: Thanh toán hóa đơn, in sao kê, chuyển khoản, kiểm tra số dư trong tài khoản...
Số tiền chi tiêu chính là số dư có trong tài khoản. Với thẻ ATM bạn chỉ có thể chi tiêu trong nước thông qua các tổ chức chuyển mạch thẻ nội địa. Do vậy với ATM, gần như khách hàng không cần để ý nhiều, vì đây là công cụ để dùng tiền của chính mình, trong tài khoản của mình.
Thẻ tín dụng Credit Card
Thẻ tín dụng cũng là một trong các các loại thẻ ngân hàng phổ biến nhất hiện nay với tên gọi quen thuộc khác là Credit Card. Đây là tấm thẻ các ngân hàng cấp cho chủ thẻ với một định mức chi tiêu nhất định phụ thuộc vào điều kiện đáp ứng mở thẻ của chính khách hàng.
Với Credit Card, khách hàng được quyền chi tiêu trước, trả tiền sau, trong vòng hạn mức cho phép. Thông thường, các ngân hàng để cho khách khoảng thời gian từ 45-55 ngày miễn lãi suất. Sử dụng Credit Card, khách hàng có thể sử dụng, thậm chí cả rút tiền nhanh chóng cả trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó còn nhiều ưu đãi riêng tùy từng ngân hàng liên kết.
Thẻ tín dụng Credit card |
Với Credit Card, khách hàng cần lưu ý rất nhiều, bởi tính tiện lợi cũng sẽ đi kèm những điều khoản. Khách hàng được quyền chi tiêu trước tiền trong hạn mức như một khoản vay của ngân hàng dành cho bạn, hoàn toàn miễn phí. Tuy vậy sau thời gian miễn phí, nếu khách hàng không trả đúng hạn, lãi phạt chậm trả rất cao.
Thông thường, các ngân hàng định ngày chốt sao kê, gửi tới người dùng, thông báo số tiền cần trả trong kỳ, hạn cuối thanh toán. Nếu khách hàng "quên", sau khoảng thời gian đó sẽ tính lãi chậm trả. Đã rất nhiều khách hàng giật mình với số lãi khủng mà mình bất ngờ phải trả.
Để tránh cho khách hàng quên ngày thanh toán, phần lớn các ngân hàng hiện nay có thêm chức năng tự động thanh toán nợ thẻ tín dụng khi đến kỳ hạn. Tuy vậy điều kiện cần để chức năng này có thể hoạt động, là khách hàng cần có đủ tiền trong tài khoản để ngân hàng trích nợ.
Thẻ ghi nợ Debit Card
Thẻ ghi nợ Visa Debit là loại thẻ hoạt động theo cơ chế nạp tiền trước, chi tiêu sau, ngược lại với thẻ tín dụng. Loại thẻ này sẽ được liên kết trực tiếp với tài khoản thanh toán của ngân hàng. Khi sở hữu thẻ ghi nợ bạn chỉ có thể chi tiêu trong phạm vi số tiền có trên tài khoản và hạn mức thấu chi. Cũng bởi vậy mà bạn không cần lo lắng việc quá thời hạn thanh toán và bị phạt trả chậm.
Thẻ ghi nợ nội địa gồm thẻ ATM, thẻ Napas và thẻ ghi nợ quốc tế gồm thẻ ghi nợ Visa, Mastercard, JCB.
Thẻ ghi nợ Debit card |
Một câu hỏi đặt ra, vậy thẻ ghi nợ debit card và ATM có gì khác nhau khi cùng sử dụng tiền trong chính tài khoản của mình? câu trả lời là có. Thẻ ATM phát hành chính nhằm mục đích thực hiện các giao dịch của chủ thẻ thông qua các cây ATM. Còn thẻ ghi nợho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài Khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ. Điều này có nghĩa, thẻ debit có thể thanh toán online, ATM thì không.
Thẻ trả trước Prepaid
Thẻ Prepaid còn gọi là thẻ trả trước, không quá thông dụng, tuy vậy thẻ này đang bắt đầu được người dùng chú ý. Trên thực tế Prepaid đã có lịch sử lâu đời, chiếc thẻ Visa Prepaid đầu tiên do tổ chức Visa International Service Association phát hành tại Mỹ vào năm 1976.
Ưu điểm của loại thẻ này là khách hàng không cần mở tài khoản ngân hàng để làm thẻ, thay vào đó, người dùng chỉ cần nạp tiền vào thẻ là có thể chi tiêu cá nhân. Số tiền chi tiêu cũng chính là số tiền mà bạn đã nạp vào thẻ. Bạn có thể sử dụng thẻ trả trước để thực hiện giao dịch nhưng không thể chuyển khoản được.
Hiện nay thẻ Prepaid gồm 2 loại cơ bản là thẻ không định danh (không được nạp tiền thêm sau lần đầu tiên sử dụng, không được rút tiền từ cây ATM và chỉ được nạp vào thẻ không quá 5 triệu); còn thẻ định danh sẽ có đầy đủ thông tin cá nhân của chủ thẻ, và có thể rút tiền tại các cây ATM.
Có 2 loai thẻ Prepaid là thẻ định danh và thẻ không định danh |
Vậy câu hỏi đặt ra là, thẻ Visa Prepaid và Debit card có gì khác nhau? Câu trả lời là có: Debit card sẽ được liên kết trực tiếp với tài khoản của khách hàng, còn Visa Prepaid thì không.
Hiện nay nhiều người dùng sử dụng thẻ trả trước Visa Prepaid bởi tính tiện dụng, độ an toàn cao. Với những sự cố như mất mát, thất lạc thẻ, người dùng cũng có thể ngay lập tức báo lên ngân hàng, khóa thẻ, đồng thời chuyển số tiền còn lại qua thẻ khác hoặc tài khoản ngân hàng để có thể tiếp tục chi tiêu. Đồng thời dùng Visa Prepaid cũng là một cách để giúp người dùng quản lý chi tiêu cá nhân tốt hơn.
Phân loại thẻ ngân hàng thế nào cho dễ hiểu?
Trên thực tế, dù có nhiều dòng thẻ, nhưng thẻ ngân hàng nhìn chung được phân loại theo các tính chất:
Thẻ nạp tiền trước, chi tiêu sau: Bao gồm những thẻ như ATM, thẻ trả trước Prepaid, thẻ ghi nợ Debit
Thẻ chi tiêu trước, trả tiền sau: Thuộc những dòng thẻ tín dụng Credit card.
Làm thế nào để sở hữu tấm thẻ đen quyền lực của các ngân hàng?
Từ hôm nay (20/12), Agribank chính thức dừng phát hành loại thẻ này 
Quá tải người đi cập nhật tài khoản trước hạn khóa, khách phải chờ cả tiếng