Thêm 28 công ty Mỹ bị Trung Quốc 'siết gọng kìm' xuất khẩu
Trung Quốc vừa bổ sung 28 công ty Mỹ, bao gồm những tên tuổi lớn như Raytheon và Boeing, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, danh sách kiểm soát xuất khẩu mới này được thiết lập nhằm "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia". Các công ty bị ảnh hưởng sẽ không thể xuất khẩu các sản phẩm có mục đích sử dụng kép, tức là vừa phục vụ mục đích dân sự vừa quân sự. Ngoài ra, 10 công ty khác bị liệt vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy", đồng nghĩa với việc họ không được phép hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Các lãnh đạo của họ cũng bị cấm nhập cảnh hoặc cư trú tại quốc gia này.
Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc một số công ty Mỹ, bao gồm những nhà thầu quốc phòng lớn, bán vũ khí cho Đài Loan. Đây là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung, khi Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Các công ty lớn như Raytheon Missile Systems, Boeing Defense, Space and Security và Lockheed Martin Missiles and Fire Control hiện chưa đưa ra bình luận chính thức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tác động thực tiễn của động thái này có thể hạn chế. Ông Andrew Gilholm, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty tư vấn Control Risks, nhận định: "Hầu hết các công ty này vốn đã bị áp đặt các biện pháp trừng phạt trước đó. Vì vậy, hiệu quả thực tiễn có thể chỉ mang tính biểu tượng".
Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, lưu ý rằng Trung Quốc thường tránh áp dụng các biện pháp gây ảnh hưởng lớn đến những công ty mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho họ . “Điều này cho thấy Bắc Kinh đang nhắm đến các mục tiêu chiến lược hơn là trừng phạt rộng rãi”, ông Hart phân tích.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài nhiều năm qua. Ảnh minh họa |
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm qua, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Donald Trump với hàng loạt thuế quan và biện pháp hạn chế nhắm vào hàng hóa và công ty Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ cũng không ngừng gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Các lệnh cấm mới đây của Mỹ đã mở rộng sang lĩnh vực sản phẩm có mục đích sử dụng kép và công nghệ cao, bao gồm việc hạn chế sử dụng máy bay không người lái sản xuất tại Trung Quốc trong các cơ quan chính phủ Mỹ. Bắc Kinh thường đáp trả một cách cẩn trọng, tập trung vào các biện pháp mang tính biểu tượng hơn là những hành động gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những bước tiến nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự như Mỹ. Điều này bao gồm việc lập danh sách đen các công ty nước ngoài và tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm chiến lược. Động thái bổ sung 28 công ty Mỹ lần này là minh chứng rõ ràng cho cách tiếp cận quyết liệt hơn của Bắc Kinh.
Việc Bắc Kinh đưa ra danh sách kiểm soát xuất khẩu mới không chỉ là phản ứng đối với các hành động của Washington, mà còn là tín hiệu cho thấy quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Chuyên gia Andrew Gilholm nhận định: "Nhịp độ của các động thái như vậy đang gia tăng. Tần suất và mức độ của những biện pháp này sẽ ngày càng nhiều hơn".
>>Bất chấp lệnh cấm vận, công nghệ Đức và Nhật Bản vẫn xuất hiện trong vũ khí của Nga?