Thị trường

Thêm một 'át chủ bài' nông sản Việt so kè với Thái Lan tại thị trường tỷ đô

Khánh Vy 10/04/2025 18:00

Với kim ngạch đạt gần 380 triệu USD chỉ trong quý I/2025, sắn là mặt hàng nông sản chiến lược tiếp theo của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu với Thái Lan.

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 487.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt giá trị trên 139 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tăng 13,8% và giá trị tăng 3,5%. Tính chung quý I/2025, tổng lượng xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn với kim ngạch gần 379,7 triệu USD – tăng 29,7% về lượng nhưng lại giảm 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Nguyên nhân chính khiến giá trị xuất khẩu giảm là do giá bình quân sắn sụt mạnh, chỉ đạt khoảng 310,2 USD/tấn – giảm tới 31,9% so với cùng kỳ. Đây là mức giá thấp đáng kể so với thời điểm cao nhất mà ngành từng đạt được.

Trong quý I năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 91% tổng sản lượng xuất khẩu. Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn sang thị trường tỷ dân này, thu về khoảng 349 triệu USD – tăng 30% về lượng nhưng giảm 13% về giá trị so với quý I/2024. Giá xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc cũng chỉ đạt khoảng 301 USD/tấn, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một trong những nguyên nhân khiến giá sắn giảm sâu là do tồn kho tinh bột sắn tại các nhà máy ở Trung Quốc đang tăng cao. Điều này xuất phát từ việc nhiều đơn hàng ký với cả Thái Lan và Việt Nam cùng lúc cập cảng, tạo ra dư cung cục bộ.

Thêm một 'át chủ bài' nông sản Việt so kè với Thái Lan tại thị trường tỷ đô
Việt Nam là nước xuất khẩu sắn lớn thứ hai thế giới, sau Thái Lan. Ảnh minh họa

>> Trung Quốc trả đũa thuế quan, nông sản Mỹ đi đâu về đâu?

Trong nước, tình trạng tồn kho cũng đang diễn ra. Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, nhiều nhà máy chế biến chưa tiêu thụ hết lượng hàng cũ, dẫn tới việc hạn chế khả năng tiếp nhận thêm nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, diện tích trồng sắn lại tiếp tục mở rộng do giá bán cao trong giai đoạn trước, khiến nguồn cung nguyên liệu ngày càng tăng, gây áp lực giảm giá mạnh hơn.

Hiện nay, cả nước có hơn 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất thiết kế khoảng 9,3 triệu tấn/năm. Với tiềm năng hiện hữu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt từ 1,8 đến 2 tỷ USD mỗi năm.

Để đạt được mục tiêu này, ngành sắn Việt Nam cần tập trung vào ba hướng chính: nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với người nông dân, từ khâu trồng trọt đến thu mua và tiêu thụ. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến cũng là yếu tố then chốt để tăng năng suất, ổn định đầu ra và nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này.

Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sắn lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan. Dù là nước trồng sắn lớn thứ ba toàn cầu (sau Nigeria và Congo), Thái Lan lại dẫn đầu thế giới về xuất khẩu sắn, với tổng kim ngạch năm 2024 đạt 3,13 tỷ USD, giảm 15,6% so với năm trước. Các thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan gồm Trung Quốc (chiếm 51,4%), Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan và Malaysia.

Niên vụ 2024–2025, sản lượng sắn của Thái Lan ước đạt 22,14 triệu tấn, tăng nhẹ 1,5%.

>> Loại quả người Việt ăn thường xuyên, tưởng lành mạnh nhưng lại là 'bom vi nhựa'

Mỹ áp thuế 46%, nông sản Việt xoay xở thế nào?

Nông sản Việt bị châu Âu cảnh báo 130 lần, báo động nạn 'đánh cắp' chứng nhận

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/them-mot-at-chu-bai-nong-san-viet-so-ke-voi-thai-lan-tai-thi-truong-ty-do-286301.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thêm một 'át chủ bài' nông sản Việt so kè với Thái Lan tại thị trường tỷ đô
    POWERED BY ONECMS & INTECH