Doanh nghiệp

Thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10

Huy Hoàng 30/11/2024 - 20:34

Sản lượng nhập khẩu thép đã ghi nhận mức cao kỷ lục với 2,41 triệu tấn, tương đương giá trị 1,51 tỷ USD trong tháng 10.

Theo báo cáo cập nhật ngành thép mới đây của Vietdata, nhập khẩu thép của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ và tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cụ thể trong tháng 10, sản lượng nhập khẩu thép đã ghi nhận mức cao kỷ lục với 2,41 triệu tấn, tương đương giá trị 1,51 tỷ USD, tăng tới 55,9% về lượng và 41,7% về giá trị so với tháng trước. Các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất bao gồm thép HRC cán nóng, thép mạ kẽm, thép thanh và dây thép.

Thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, cao kỷ lục trong tháng 10
Thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến trong tháng 10

Đặc biệt, lượng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao đột biến, với sản lượng tăng 72,2% so với tháng trước và 111,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực thúc đẩy đến từ việc giá nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 645,2 USD/tấn trong tháng 10, thấp hơn 75,6 USD/tấn so với mức giá nhập khẩu bình quân, giảm 9% so với tháng trước và 15% so với cùng kỳ.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10,2 triệu tấn thép từ Trung Quốc, chiếm 69% tổng sản lượng nhập khẩu toàn ngành, tăng 58,9% so với cùng kỳ. Ngoài Trung Quốc, sản lượng thép nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng tăng liên tục trong 4 tháng gần đây. Đặc biệt, thép nhập khẩu từ ASEAN, chủ yếu từ Indonesia, tăng mạnh 75,6% so với tháng trước và 172,9% so với cùng kỳ, với giá nhập khẩu giảm mạnh 24,5% so với tháng trước và 34,6% so với cùng kỳ.

>>Nóng: Chấm dứt, không gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội

Doanh nghiệp trong nước chịu sức ép lớn

Trước áp lực từ thép nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt những thách thức tiềm tàng dù kết quả bán hàng vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực.

Đối với mặt hàng thép xây dựng, tiêu thụ nội địa bứt phá mạnh đã giúp sản lượng bán hàng tăng 37,4% so với tháng trước và 53,7% so với cùng kỳ. Sản lượng bán tôn mạ và ống thép cũng tăng 19-22% so với tháng trước. Thép cán nguội tăng 58% nhờ mức nền thấp trong cùng kỳ, tuy nhiên tiêu thụ nội địa đã chững lại trong 3 tháng gần đây. Trong khi xuất khẩu trong tháng 10 giảm gần 21%, sau mức tăng khá tốt trong tháng 9.

Thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, cao kỷ lục trong tháng 10
Xuất khẩu thép trong tháng 10 giảm gần 21%

Đáng chú ý, thép HRC lại gặp khó khăn lớn khi tiêu thụ trong tháng 10 giảm 26,4% so với cùng kỳ và 20,7% so với tháng trước, chỉ đạt 480.000 tấn – mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Nguyên nhân chính là do áp lực cạnh tranh từ thép HRC nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc và triển vọng xuất khẩu bị thách thức bởi các cuộc điều tra chống bán phá giá từ các đối tác quốc tế.

Quyết định dỡ bỏ thuế chống bán phá giá

Ngày 12/11/2024, Bộ Công Thương công bố quyết định chấm dứt áp thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Đài Loan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Các mức thuế từ 3,07% đến 37,29%, áp dụng từ năm 2014 và gia hạn năm 2019, nay đã được dỡ bỏ.

Việc dỡ bỏ thuế này có thể khiến giá thép không gỉ nhập khẩu giảm mạnh, tạo thêm áp lực lên giá các sản phẩm thép cán nguội trong nước. Điều này, kết hợp với áp lực từ thép nhập khẩu giá rẻ, đang đặt ra thách thức lớn cho ngành thép nội địa trong việc duy trì sức cạnh tranh và ổn định sản xuất.

>>Thị trường thép xây dựng đạt kỷ lục tiêu thụ hơn 1,25 triệu tấn sau gần 3 năm

Hòa Phát sẵn sàng bắt tay vào sản xuất thép đường ray cho dự án đường sắt tốc độ cao

Lý do Bộ Công Thương không gia hạn biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thep-gia-re-trung-quoc-o-at-nhap-vao-viet-nam-cao-ky-luc-trong-thang-10-263121.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10
    POWERED BY ONECMS & INTECH