Thép Nam Kim (NKG) chi 4.500 tỷ đồng, đặt cược lớn vào dự án tôn mạ cao cấp để vươn tầm quốc tế
Dự án nhà máy tôn mạ của Thép Nam Kim (NKG) có tổng công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm.
Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (MCK: NKG ) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4 tại TP. HCM.
Theo báo cáo, trong năm 2024, Thép Nam Kim đã tiêu thụ 1,02 triệu tấn sản phẩm, hoàn thành 102,3% kế hoạch. Trong đó, sản lượng tôn mạ đạt 892.252 tấn và ống thép các loại đạt 130.542 tấn. Công ty cũng đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Đức nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất.
Ban lãnh đạo cho biết, một trong những lợi thế cạnh tranh của công ty là khả năng đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc nguyên vật liệu cho thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp hiện sử dụng nguyên liệu từ các tập đoàn lớn như Formosa và Nippon Steel. Đồng thời, công ty đang tích cực xây dựng thương hiệu, mở rộng hệ thống khách hàng trong và ngoài nước, cũng như phát triển các sản phẩm mới.
Năm 2025, Thép Nam Kim đặt mục tiêu tiêu thụ 1,05 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu 23.000 tỷ đồng (tăng 11,1%) và lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng (giảm 21,1% so với năm 2024).
Về chiến lược kinh doanh, công ty sẽ cơ cấu lại nguồn lực, quản lý hiệu quả vốn vay, mở rộng thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới chuỗi giá trị tôn mạ tại châu Âu và Bắc Mỹ. Đáng chú ý, Thép Nam Kim sẽ tập trung tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tôn mạ màu, tôn mạ hợp kim – những mặt hàng có biên lợi nhuận tốt nhờ quy trình sản xuất khép kín.
![]() |
Thép Nam Kim dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 25/4 tại TP. HCM |
Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án trọng điểm là Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 4.500 tỷ đồng. Trong đó, Thép Nam Kim góp 30% vốn (1.350 tỷ đồng) và phần còn lại là vốn vay.
Dự án có tổng công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm, bao gồm: Dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn và 150.000 tấn, cùng dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào sản xuất thương mại từ quý I/2026 và đạt công suất tối đa từ năm 2027. Với sản phẩm chính là thép mạ kỹ thuật cao dùng trong thiết bị điện gia dụng, dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng và giữ vững biên lợi nhuận cho Thép Nam Kim.
Về phương án phân phối lợi nhuận, công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức năm 2024. Thay vào đó, Thép Nam Kim dự kiến phát hành tối đa 4,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương hơn 1% lượng cổ phiếu đang lưu hành, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP sẽ được chuyển nhượng 50% sau 1 năm và phần còn lại sau 2 năm, thời gian phát hành dự kiến trong năm 2025 và/hoặc 2026.
Bình Định chính thức thu hồi dự án 5.000 tỷ nằm 'đắp chiếu' gần một thập kỷ
GO! (Big C) thất thế, Central Retail 'trượt chân' giữa cuộc đua bán lẻ tại Việt Nam