Thép Trung Quốc ồ ạt 'tuồn' vào Việt Nam đẩy các doanh nghiệp vào thế khó
Thép nhập khẩu từ Trung quốc ồ ạt “tuồn” qua Việt Nam trong khi sức tiêu thụ nội địa lao dốc, xuất khẩu gặp trở ngại đẩy các doanh nghiệp thép Việt vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
Cảnh giác trước xu hướng gia tăng của thép ngoại
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép  nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm trên 68% tổng lượng nhập khẩu của cả nước, đạt 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
Điều này đẩy các doanh nghiệp thép Việt  vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước vẫn phục hồi rất ì ạch, dẫn đến tăng tồn kho. Công suất sản xuất ngành thép Việt Nam đang xoay quanh mức 29-30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước.
Thép nhập từ Trung Quốc chiếm trên 68% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. |
Trong khi đó, chi phí đầu vào vẫn duy trì ở mức cao và có sự biến động liên quan đến việc tăng lãi suất vốn vay, thay đổi tỷ giá khiến hàng loạt doanh nghiệp lỗ nặng.
>>Lý do Đảo quốc Sư tử bất ngờ tăng nhập khẩu 3.286% một mặt hàng của Việt Nam 
Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu.
"Nhu cầu nội địa kém, song sản xuất thép tại Trung Quốc rất mạnh, mỗi ngày có thể lên đến vài triệu tấn, bằng sản lượng thép Việt Nam trong cả tháng. Điều này thúc ép họ phải đẩy mạnh xuất khẩu và gây áp lực lên nhiều thị trường chứ không riêng gì Việt Nam", ông Nguyễn Văn Sưa lý giải.
Trong khi đó, thị trường bất động sản của Việt Nam vẫn chưa hồi phục, chỉ mới vừa nhúc nhích. Sức khỏe của các doanh nghiệp Việt cũng còn yếu, năng lực tài chính có hạn. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tuy tăng tốc nhưng nhu cầu tiêu thụ thép ít hơn bất động sản rất nhiều. Hơn nữa, nguồn cung thép trong nước đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí còn thừa, sức tiêu thụ thép thời gian qua cũng giảm.
Đồng quan điểm, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đặt ra vấn đề: “Vậy doanh nghiệp nào nhập nhiều như vậy để mà tăng 2-3 lần? Họ nhập về sử dụng vào đâu, nhằm mục đích gì?”.
Theo vị chuyên gia này, cần hết sức cảnh giác có một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam lợi dụng việc thép nhập khẩu tăng quá nhiều, nhất là thép Trung Quốc để tiếp tay cho họ "đội lốt" xuất xứ, xuất đi các nước, đặc biệt là Mỹ.
“Điều này là nguy hiểm nhất. Việt Nam đang đề nghị Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường, nếu dính phải "đòn" gian lận xuất xứ thì sẽ gây hậu quả rất lớn", ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã có những nhà máy lớn hàng đầu khu vực, không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những nước phát triển. Nếu "thả cửa" cho thép nhập khẩu ồ ạt, có hiện tượng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh thì có thể sẽ giết chết ngành thép trong nước.
Xuất khẩu thép đối mặt với 2 rào cản lớn
Ở chiều xuất khẩu, theo TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương hiện nay ngành thép Việt Nam phải đối mặt với 2 rào cản lớn.
Cụ thể, rào cản đầu tiên đến từ các biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu khi quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 của EU sẽ tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU đến 30/6/2024. Việt Nam để được miễn thuế tự vệ sẽ phải duy trì tỷ trọng xuất khẩu ở dưới mức 3% tổng kim ngạch EU nhập nhẩu đối với từng loại sản phẩm, nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.
Hiện nay ngành thép Việt Nam phải đối mặt với 2 rào cản lớn. |
Rào cản thứ hai là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước sở tại. Hiện tại cơ chế này đang ở giai đoạn 1 khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có các doanh nghiệp thép phải khai báo mức phát thải.
Tuy vậy trong tương lai, khi cơ chế CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép trong đó có Việt Nam bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026 sẽ làm gia tăng chi phí, khó cạnh tranh về mặt giá trị nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tiêu thụ trong nước sụt giảm, thị trường xuất khẩu thép phải đối mặt thách thức bị thu hẹp do chủ nghĩa bảo hộ của các nước và những yêu cầu về phát thải carbon. Dẫn tới hệ lụy các doanh nghiệp không xuất khẩu được sẽ quay trở lại tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước, làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong khi sản phẩm nhập khẩu ùn ùn khiến các doanh nghiệp lao đao.
Đáng chú ý, Chủ tịch VSA chia sẻ, theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong khi thép Việt xuất khẩu sang các nước phải có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn của riêng từng nước khá khắt khe thì Việt Nam vẫn chấp nhận tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự soạn và công bố.
Bên cạnh đó, thép nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0% trong khi thép Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước phải chịu thuế rất cao. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại - như tự vệ phôi thép - đã bị dỡ bỏ; các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép, thép dự ứng lực... đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Trước thực tế này, VSA nhiều lần kiến nghị xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Cùng với đó, VSA kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ về tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất thép nâng cấp kỹ thuật sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, đồng thời loại bỏ dần năng lực sản xuất lạc hậu.
>>Thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước