Thị trấn mặt trời không xuất hiện suốt 2 tháng: Vật giá leo thang đến mức chai nước khoáng đắt gấp 8 lần, túi bột giặt hơn 2 triệu đồng
Năm ở cực Bắc nước Mỹ, cư dân của thị trấn này hàng năm sẽ sống trong bóng tối 66 ngày do mặt trời không xuất hiện.
Thị trấn  Utqiagvik (hay Barrow) nằm tại cực bắc của Mỹ là một địa điểm độc đáo bởi hàng năm, nơi đây sẽ trải qua khoảng thời gian hơn hai tháng mặt trời không xuất hiện, nhiệt độ giảm mạnh dưới 0 độ. Đây được gọi là hiện tượng "đêm vùng cực".
Dọc theo bờ biển của Utqiagvik, có một tấm biển chào mừng với dòng chữ "Thành phố cực bắc của Hoa Kỳ" được vẽ trên nền màu xanh và trắng, kèm theo hình minh họa của một con cá voi. Thị trấn này là nơi sinh sống của hơn 5.000 người và được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như “tầng thượng của thế giới”, “điểm không đối với biến đổi khí hậu”.
Đa số cư dân tại đây là người Iñupiat Alaska bản địa, đã sinh sống ở Utqiagvik suốt hàng nghìn năm qua. Trong lịch sử, họ đã sống sót và thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt bằng cách săn bắt cá voi, tuần lộc, hải cẩu và các loài chim.
Cư dân của Utqiagvik thường làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng mục đích chung thường là để hỗ trợ cho ngành công nghiệp khai thác dầu gần đó. Họ phải phụ thuộc vào các nguồn thực phẩm mà họ tự cung tự cấp do vị trí quá hẻo lánh và tách biệt. Mùa xuân hàng năm, cộng đồng cư dân lại tụ tập để kỷ niệm mùa săn bắt cá voi thành công.
Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu đã làm cho việc săn bắt trở nên khó khăn hơn. Với lượng băng giảm đi, người dân địa phương không còn thấy các loài như hải cẩu, hải mã và gấu Bắc Cực xuất hiện như trước.
Mặc dù du lịch  đã phát triển hơn trong những năm gần đây nhưng tổng số nhà hàng trong thị trấn chỉ dừng lại ở con số 5.
Ông Myron và vợ, bà Susan McCumber, hiện đang điều hành một nhà nghỉ gồm 12 phòng ở thị trấn. Nói về cuộc sống ở Alaska, ông McCumber nhấn mạnh sự độc lập tinh thần của cư dân địa phương: “Mặc dù thuộc Hoa Kỳ nhưng cuộc sống ở đây thực sự tách biệt.”
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh tại Utqiagvik cũng phải đối mặt với những thách thức đặc biệt, một trong những thách thức đó là giá cả của thực phẩm. Do quá trình vận chuyển hàng hóa đến đây đòi hỏi nhiều công sức, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết khắc nghiệt và tối tăm, giá cả của hàng hóa thường tăng đột ngột khi đến tay người tiêu dùng. Ví dụ điển hình là một chai nước khoáng thông thường mua ở Walmart có giá 6 USD (khoảng 147.000 đồng), nhưng ở đây lại được bán với giá 48 USD (hơn 1,1 triệu đồng), tăng gấp 8 lần. Hay một hộp sữa 4 lít được bán với giá 14 USD (khoảng 345.000 đồng) và một túi bột giặt có giá 98 USD (khoảng 2,4 triệu đồng).
Trong khoảng 66 ngày không có ánh sáng mặt trời, cuộc sống hàng ngày của cư dân vẫn tiếp tục và họ phải tìm cách thích nghi với hiện tượng “đêm vùng cực”. Trong khi đó, du khách  từ khắp nơi trên thế giới vẫn đổ về để quan sát các hiện tượng đặc biệt này.