Trong quý I/2023, lương và phúc lợi cho người lao động tăng lên tích cực, số lượng tuyển dụng nhiều…
Nhu cầu tuyển dụng tăng cao sau Tết
Theo khảo sát của Navigos Search, 27% doanh nghiệp năm nay tăng lương cho lao động từ 5% đến dưới 10%, 24% doanh nghiệp duy trì mức lương đang có. Doanh nghiệp áp dụng thêm thưởng, phụ - trợ cấp nhằm tạo động lực cho lao động. Còn về số lượng vị trí việc làm, số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, quý I năm nay, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng khoảng 350.000 - 400.000 vị trí.
Ngay từ đầu năm, nhiều nhà tuyển dụng đã trực tiếp ra tuyển dụng tại các bến xe, qua đó giúp nhà tuyển dụng và người lao động có thể kết nối cung cầu mà không phải qua một khâu trung gian nào.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tình hình thị trường lao động đã có những chuyển động tích cực trong quý I/2023. Ước tính, tổng nhu cầu tuyển dụng của Hà Nội là khoảng 100.000 - 120.000 vị trí việc làm.
Một tỉnh thành phía Bắc khác cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn là Bắc Giang. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại địa phương trong quý I năm nay dự kiến khoảng 23.000 người. Trong đó, công nhân chiếm đa số ở các ngành nghề như điện tử, may mặc, các công việc phụ trợ, xây dựng, bán hàng ở các siêu thị...
Còn theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh dự báo, thành phố cần khoảng 79.000 - 87.000 lao động việc làm. Như vậy, cơ hội cho lao động tìm việc là rất lớn.
CTCP Flamingo Redtours đang liên tiếp tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới để bổ sung thêm nhân sự khi ngành du lịch - dịch vụ nhà hàng khách sạn khôi phục mạnh mẽ. Năm trước, doanh nghiệp đã tuyển bổ sung khoảng 500 lao động cho các cơ sở lưu trú và hàng chục nhân sự điều hành tour. Năm nay, công ty tiếp tục tuyển dụng khá nhiều. Lãnh đạo Flamingo Redtours cho biết trong năm nay, công ty sẽ mở rộng thêm 100% nguồn nhân lực cho mảng lữ hành.
Còn với lĩnh vực sản xuất, CTCP Sản xuất và Thương mại Quốc tế Pharaon đặt mục tiêu doanh thu đạt 150% so với năm trước, do đó công ty tiếp tục tuyển dụng thêm và đi sâu hơn vào sàng lọc nhân sự chất lượng.
Ngoài ra, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như vận tải - logistics; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; công nghệ - thông tin…
Đầu năm là thời điểm các doanh nghiệp chuẩn bị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả năm, do đó doanh nghiệp tuyển dụng rất nhiều. Đây cũng là cơ hội để người lao động dễ dàng tìm được vị trí việc làm phù hợp với mình.
Khan hiếm lao động có tay nghề
Chuyển đổi số đang tác động mạnh vào nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến dịch vụ, do đó nhu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn cao luôn bức thiết và doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao cho nhân sự chất lượng. Tuy vậy, việc tuyển dụng đối tượng lao động này lại rất khó khăn.
Theo một khảo sát nhanh về tình hình tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ sau Tết với 14 giám đốc, trưởng phòng nhân sự các nhà máy ở Bình Dương cho kết quả chỉ một người nói rằng "dễ tuyển", hơn 90% cho biết "khó". Nguyên nhân lao động có tay nghề, trình độ có nhiều lựa chọn, dễ dàng đổi việc thậm chí đổi nghề chuyển sang các lĩnh vực không đúng chuyên môn.
Tại TP Hồ Chí Minh, báo cáo về thị trường lao động trước và sau Tết của Trung tâm dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi) cho thấy trên 48% nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp là lao động đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên. Trong khi đó, đối với người tìm việc, tính từ trình độ trung cấp, tỷ lệ này chiếm đến 98%. Xét về trình độ kỹ năng, nguồn cung vượt cầu nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tuyển người.
Theo báo cáo của Falmi, những khó khăn trong tuyển dụng như lao động không đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, tiền lương, điều kiện làm việc không phù hợp, phúc lợi chưa được như ý muốn của ứng viên. Ngoài ra, với những ngành kỹ thuật, chuyên môn đặc biệt còn gặp tình trạng khan hiếm nhân sự.
Báo cáo mới đây của Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông chiếm đến 62%. Mức độ khó tuyển tăng dần gồm kế toán, cán bộ kỹ thuật, quản lý, giám sát và nhóm có mức độ khó nhất là giám đốc điều hành.
Mức sống tối thiểu của người dân Việt Nam khoảng 1,8 triệu đồng/tháng 
Kỷ lục ba năm liên tiếp đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài