Cơ hội đầu tư

Thị trường nhân lực CNTT: Việt Nam đang phải đối mặt với đối thủ mạnh

Quang Dương 06/10/2024 - 06:11

Mức lương trung bình hàng năm trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam là 5.810 USD và tại Philippines là 5.952 USD.

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, từ trước đến nay, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản thường tuyển dụng kỹ sư từ Việt Nam và Philippines, chủ yếu do mức lương thấp hơn nhiều so với kỹ sư Nhật Bản.

Theo dữ liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế, được tổng hợp bởi công ty nhân sự Nhật Bản Human Resocia, mức lương trung bình hàng năm trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam là 5.810 USD và tại Philippines là 5.952 USD, chỉ bằng khoảng một phần năm so với mức 34.567 USD tại Nhật Bản.

Trong khi đó, lương trung bình mỗi năm của Hàn Quốc đạt 45.567 USD, cao hơn Nhật Bản tới 30%. Mặc dù vậy, các công ty tuyển dụng Nhật Bản vẫn đang tích cực săn đón kỹ sư Hàn Quốc. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều công ty thậm chí đã cử đại diện sang Hàn Quốc để trực tiếp tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp sang làm việc.

Lý do đầu tiên cho hiện tượng này là sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Nhật Bản. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dự đoán nước này sẽ thiếu khoảng 790.000 nhân sự trong ngành vào năm 2030.

Thứ hai, kỹ năng của kỹ sư Hàn Quốc rất cao. Họ không chỉ giỏi phát triển phần mềm mà còn làm với tốc độ rất nhanh. Theo trường kinh doanh Thụy Sĩ IMD, Hàn Quốc xếp hạng thứ sáu thế giới về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số, trong khi Nhật Bản đứng thứ 32.

Các lập trình viên Hàn Quốc thường thành thạo quy trình phát triển phần mềm linh hoạt (agile), vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản. Do đó, các công ty Nhật Bản tin rằng kỹ năng của lao động Hàn Quốc có thể bù đắp cho sự chênh lệch về mức lương.

Ở một khía cạnh khác, kỹ sư công nghệ thông tin Hàn Quốc cũng có xu hướng muốn sang Nhật làm việc. Mức lương cao, khoảng cách địa lý gần và sự tương đồng văn hóa được coi là những yếu tố thu hút.

Thị trường nhân lực CNTT: Việt Nam đang phải đối mặt với đối thủ mạnh
Ảnh minh hoạ: Hàn Quốc xếp hạng thứ sáu thế giới về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số

>> Cơ hội vàng cho 'dân IT': Việt Nam cần 500.000 nhân lực, lương đến 3.000 USD/tháng

Ngoài ra, tính cạnh tranh trên thị trường lao động Hàn Quốc hiện rất khốc liệt. Tỷ lệ thất nghiệp chung vào năm 2023 của nước này là 2,7%, và lên đến 5,9% đối với những người ở độ tuổi 20, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của người ở độ tuổi 40 và 50 chỉ là 1,9% và 1,7%.

Tính đến tháng 10/2023, tổng số lao động Hàn Quốc làm việc trong ngành thông tin và truyền thông của Nhật Bản đã đạt 9.954 người, tăng 52% so với năm 2016. Tại En World Japan, nơi chuyên giới thiệu nhân sự từ các quốc gia khác đến làm việc tại các công ty Nhật Bản, số lượng nhân sự công nghệ thông tin Hàn Quốc đăng ký làm việc trong nửa đầu năm 2024 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều này là tín hiệu cần lưu ý đối với thị trường nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam. Được biết, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu của Việt Nam. Nước ta hiện có hơn 10 doanh nghiệp quy mô trên 1.000 lao động tại Nhật.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp Nhật Bản đã lên tới gần 500. Các doanh nghiệp Việt không chỉ đảm nhận các công đoạn đơn giản như lập trình và kiểm thử, mà hiện còn có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế đến triển khai các dự án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain, VR/XR. Do đó, với sự cạnh tranh từ Hàn Quốc, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm.

>> Hai ‘ông lớn’ bất động sản Hàn Quốc muốn xây trung tâm thương mại ở Quy Nhơn

Nền kinh tế Mỹ tạo nhiều việc làm hơn dự báo, Fed có khả năng hạ lãi suất từ từ hơn

Lộ diện trụ cột kinh tế Việt Nam: Đóng góp 60% GDP, 98% kim ngạch XNK và 85% việc làm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-nhan-luc-cntt-viet-nam-dang-phai-doi-mat-voi-doi-thu-manh-252084.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thị trường nhân lực CNTT: Việt Nam đang phải đối mặt với đối thủ mạnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH