Theo các chuyên gia, Nghị định 65 là giải pháp căn cơ giúp thị trường phát triển bền vững trong dài hạn còn ở thời điểm hiện tại vẫn cần có giải pháp cấp bách để vực dậy thị trường, tránh xảy ra nguy cơ bất ổn đang hiện hữu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký, ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Tại Nghị Quyết, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Với thị trường vốn, Chính phủ quyết tâm cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản. Việc lành mạnh hoá, phát triển an toàn, bền vững các thị trường này được coi là yếu tố giúp tăng nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ nền kinh tế.
"Không để mất an toàn hệ thống thị trường vốn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự", Nghị quyết của Chính phủ nêu.
Với riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có thể thấy, 2022 là một năm ảm đạm đối với kênh huy động vốn quan trọng này.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 16/12/2022, có 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 12 với tổng giá trị 1.150 tỷ đồng - tiếp tục giảm rất mạnh so với giai đoạn bùng nổ trước đó.
Hình minh họa |
Tính từ đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.015 tỷ đồng - giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng thời điểm, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 182.742 tỷ đồng - tăng 38% YoY.
Dấu ấn ở những lần ban hành - sửa đổi chính sách
Nhìn lại diễn biến của thị trường trong quãng thời gian dài hơn, có thể thấy các phản ứng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá nhạy cảm trước sự thay đổi của chính sách hay động thái chấn chỉnh của các cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể, ngay khi có sự “cởi trói” của Nghị định 163/NĐ-CP ban hành tháng 12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường đã lập tức phát triển bùng nổ trong đó “thăng hoa” rực rỡ nhất vào năm 2021 với giá trị trái phiếu phát hành cả năm ước đạt 623.600 tỷ - tăng mạnh 34,9% so với năm 2020.
Tuy nhiên, chính vì phát triển quá nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã phát sinh nhiều hệ lụy. Lợi dụng việc nhiều nhà đầu tư chưa được trang bị kiến thức tài chính, ham lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu “chui”. Điển hình nhất là vụ việc Tân Hoàng Minh với 9 đợt phát hành trái phiếu huy động 10.300 tỷ đồng nhưng công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Theo Bộ Công an, tình trạng này khá phổ biến trên thị trường thời gian qua, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như vỡ nợ.
Tới ngày 16/9/2022, sau nhiều mong đợi, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153 . Giới đầu tư kỳ vọng thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, đến nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn hầu như đóng băng.
Theo các chuyên gia, Nghị định 65 là giải pháp căn cơ giúp thị trường phát triển bền vững trong dài hạn, còn ở thời điểm hiện tại vẫn cần có giải pháp cấp bách để vực dậy thị trường, tránh xảy ra nguy cơ bất ổn đang hiện hữu.
Mới nhất, nửa đầu tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam về việc lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với 3 kiến nghị chính:
- Giãn thời gian thực hiện trong vòng 01 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoản chuyên nghiệp tại Nghị định số 65;
- Giãn thời gian thực hiện trong vòng 01 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiểu tại Nghị định số 65;
- Cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc có hy vọng được "cứu"
Chia sẻ với báo giới về câu chuyển góp ý sửa đổi Nghị định 65, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận nội dung của dự thảo sửa đổi Nghị định số 65 trước mắt sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp áp lực trái phiếu đến hạn trả nợ, đặc biệt là nhóm bất động sản. Đây là lối mở cho các doanh nghiệp nhóm này khi có thể ưu tiên xử lý các nghĩa vụ trả nợ đáo hạn và/hoặc gia hạn nợ.
Ông Nguyễn Thế Minh - Chuyên giá Chứng khoán Yuanta Việt Nam |
Ông Minh phân tích, áp lực nợ đáo hạn được giãn ra sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi hiệu ứng đổ vỡ “domino”. Thậm chí, theo dự thảo, các khoản nợ có thể xử lý thông qua dàn xếp bổ sung tài sản thế chấp, hoán đổi các tài sản có giá trị hơn,… Với độ mở của các quy định tại dự thảo, ông Minh kỳ vọng sẽ mở đường cho các tổ chức phát hành có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho các tổ chức khác.
“Còn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tôi nghĩ do những sự kiện khởi tố lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát, họ vẫn sẽ có tâm lý e dè với trái phiếu và sẽ cần một khoảng thời gian đủ lâu để sẵn sàng đầu tư trở lại với sản phẩm này”, ông Minh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT đánh giá, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 sẽ ảnh hưởng tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua đó ảnh hưởng tích cực lên các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu, đặc biệt là nhóm bất động sản.
Đơn cử, các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích ứng được dời thời hạn áp dụng sang năm 2024.
Bên cạnh đó, mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản với các trái phiếu doanh nghiệp tới hạn và doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.
Doanh nghiệp vẫn nên tự chủ động
Bên cạnh việc kỳ vọng vào nút thắt chính sách được tháo gỡ, các chuyên gia tài chính cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp cũng phải tự thân vận động, trách trông chờ, ỷ lại.
Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh của thị trường trái phiếu, tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Nhấn mạnh giải pháp khơi thông kênh trái phiếu trong thời gian tới, ông Dương nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ cố gắng phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ trên cả hai kênh phát hành gồm phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Đối với kênh phát hành trái phiếu ra công chúng, Bộ Tài chính sẽ cố gắng tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành thì họ có thể phát hành trái phiếu ra công chúng, để tiếp cận đến tất cả các đối tượng nhà đầu tư.
Đối với kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ, do những biến động thị trường vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng có các chỉ đạo để có những giải pháp bình ổn lại sự biến động thị trường.
Theo đó, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp trong trường hợp có những khó khăn, vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc với các nhà đầu tư, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu đó. Chẳng hạn như cơ cấu về mặt kỳ hạn, cơ cấu về mặt lãi suất, về mặt phương thức thanh toán trái phiếu theo đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng: Đầu tàu dẫn dắt thị trường trái phiếu năm 2024 
‘Bom nợ’ trái phiếu vẫn chực chờ, doanh nghiệp bất động sản manh nha phát hành trở lại