Thị xã ít dân cư nhất Việt Nam: Một trong những kết cấu hạ tầng đô thị đẹp nhất vùng Tây Bắc, tương lai sẽ trở thành trung tâm du lịch trọng điểm
Nơi đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với nền văn hóa đặc sắc, và còn là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Thị xã ít dân cư nhất Việt Nam
Sau khi trung tâm hành chính của tỉnh Lai Châu  (nay là Điện Biên ) chuyển về thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện nhỏ cả về diện tích và dân số. Mường Lay càng trở nên "chật" hơn khi phần đất của nó phải nhường chỗ cho dự án xây dựng Thủy điện Sơn La . Có lẽ, chưa từng có một thị xã nào phải di dời phần lớn dân cư như Mường Lay để phục vụ cho một công trình thủy điện quốc gia.
Hơn 4.000 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Thái, đã chuyển chỗ ở vì công trình điện của Tổ quốc. Chính sự kiện này đã hình thành diện mạo của Mường Lay ngày nay - một thị xã nhỏ nằm trong thung lũng hẹp và dài, tại ngã ba của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Thị xã có diện tích 112,67km2, dân số đạt 11.618 người (theo niên giám thống kê tỉnh Điện Biên năm 2022), với mật độ dân số chỉ đạt 103 người/km2.
Trải qua nhiều lần thay đổi và thực hiện chủ trương tái định cư để nhường đất cho hồ chứa Thủy điện Sơn La, diện mạo của thị xã này đã “lột xác” trở thành một đô thị hiện đại với những phố nhà sàn đặc trưng. Mường Lay hiện nay là điểm đến du lịch hấp dẫn của Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Điện Biên
Thị xã Mường Lay từng là thủ phủ của tỉnh Điện Biên, với vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh. Vùng đất này giàu truyền thống cách mạng và có nền văn hóa đặc sắc, đồng thời là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là ngành Thái trắng ở Tây Bắc.
Hiện tại, Mường Lay có ba di tích cấp tỉnh: Nhà tù Lai Châu, Pú Vạp và hang động Bản Bắc ở xã Lay Nưa. Ngoài ra, thị xã cũng sở hữu hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật xòe Thái và lễ hội Then Kin Pang.
Mường Lay đang được định hướng phát triển thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Điện Biên. Địa phương này đã đóng góp đáng kể cho hai di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (được công nhận năm 2019) và Nghệ thuật Xòe Thái (được công nhận năm 2021).
Thị xã Mường Lay là nơi cư trú của 9 dân tộc anh em, với những nét đẹp đặc sắc về văn hóa, ẩm thực, lễ hội, điệu múa, điệu xòe và trang phục dân tộc đa dạng, phong phú.
Hiện nay, Mường Lay là một trong những địa phương có kết cấu hạ tầng đô thị đẹp nhất vùng Tây Bắc. Thị xã này vẫn duy trì được những nét đặc sắc độc đáo, trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Điển hình là những "khu phố" nhà sàn lợp đá của đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là ngành Thái trắng, với hình ảnh phản chiếu xuống dòng Đà Giang. Cảnh quan này tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của "phố trong bản" và "trên bến dưới thuyền" đặc trưng, chỉ có ở Mường Lay.
Chủ Fanpage Blog của Rọt chia sẻ sau chuyến đi ghé thăm thị xã Mường Lay: "Đối với mình thì Mường Lay là một trong những nơi yên bình nhất ở Tây Bắc, đường sá sạch đẹp, cảnh vật hoang sơ, mọi thứ ở đây cứ trôi qua rất nhẹ nhàng. Tạm biệt mảnh đất này để đến với Tủa Chùa, cảm xúc mình quá lưu luyến và chắc chắn mình sẽ sớm trở lại nơi đây".
“Thị xã có 4 bản vùng cao, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, giao thông đi lại thuận tiện, có những nét văn hóa độc đáo riêng. Trong đó, bản Hô Huổi Luông xã Lay Nưa đã được chọn là điểm cất cánh của bộ môn thể thao mạo hiểm dù lượn…. Đây cũng là nơi thị xã định hướng là địa điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn thu hút du khách khi đến với Mường Lay”, là chia sẻ từ ông Chui Văn Thành, Phó chủ tịch Thị xã Mường Lay, theo Báo Văn Hóa.
Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến 2030, thị xã Mường Lay sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, thuộc phân vùng 3 của Đề án. Đề án bao gồm các tuyến du lịch đường thủy (Mường Lay - Sơn La - Hòa Bình và ngược lại), các tuyến du lịch đường bộ (Hà Nội - Hòa Bình - Mai Châu - Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên Phủ - Mường Lay - Lai Châu - Lào Cai - Phú Thọ - Hà Nội) và ngược lại, cũng như các tuyến du lịch quốc tế (từ Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng - Mường Lay - Điện Biên Phủ). Đặc biệt, Cảng hàng không Điện Biên đã được khánh thành và đưa vào khai thác từ tháng 12/2023, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển du lịch.