Thế giới

Thiết lập 1,5 triệu két sắt an toàn, chuyện gì đang xảy ra?

Chung Khanh 03/04/2025 13:31

Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề an toàn két sắt, khi niềm tin vào hệ thống ngân hàng bị giảm sút bởi các vụ trộm và bê bối, trong khi Chính phủ và các ngân hàng tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dịch vụ này để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Trong nhiều thập kỷ, người dân Nhật Bản đã quen dùng két sắt để cất giữ tiền mặt, trang sức, giấy tờ nhà đất và các tài sản quý giá khác nhằm bảo vệ chúng khỏi trộm cắp hoặc sự dòm ngó. Tuy nhiên, thói quen này đang dần bị gián đoạn bởi hai lý do chính.

Thứ nhất, lạm phát quay trở lại khiến người dân nhận ra rằng tiền mặt không còn giữ giá trị tuyệt đối như trước. Thứ hai, hàng loạt bê bối tại các ngân hàng lớn đã làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống két sắt an toàn.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, hai ngân hàng lớn của Nhật Bản là Mizuho Bank và MUFG đã thừa nhận rằng một số nhân viên đã lén lấy tiền từ két sắt an toàn của khách hàng. Một vụ trộm kéo dài suốt bốn năm, với tổng số tiền bị lấy lên tới 1,4 tỷ yên (tương đương 9,3 triệu USD), do nhân viên lợi dụng việc dễ dàng tiếp cận chìa khóa dự phòng.

Sự việc này đã khiến nhiều người lo ngại rằng vấn đề có thể nghiêm trọng hơn. Công chúng ngày càng mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Thiết lập 1,5 triệu két sắt an toàn, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Nhật Bản hiện có khoảng 1,5 triệu két sắt an toàn

Bí ẩn về số tiền trong két sắt an toàn

Mặc dù có thể xác định được số tiền bị đánh cắp trong các vụ việc vừa qua, nhưng rất khó để ước tính tổng giá trị tài sản thực sự đang được cất giữ trong các két sắt trên toàn Nhật Bản, hay thậm chí số tiền đã bị mất mà chủ sở hữu không hề hay biết. Chính phủ cũng thừa nhận điều này.

Bà Satsuki Katayama, chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và là Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu về tài chính và hệ thống ngân hàng, cho biết: "Không ai biết chính xác có bao nhiêu tiền được giữ trong két sắt an toàn vì không có quy định nào yêu cầu tiết lộ nội dung bên trong. Đó chính là lý do tồn tại của két sắt".

Tuy nhiên, theo ước tính, khoảng 100 nghìn tỷ yên (tương đương 670 tỷ USD) đang được người dân Nhật Bản cất giữ ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thuế, trong đó khoảng 20 nghìn tỷ yên có thể đang nằm trong các két sắt an toàn.

Vì văn hóa ưa chuộng tài sản hữu hình và tôn trọng quyền riêng tư, Nhật Bản hiện có khoảng 1,5 triệu két sắt an toàn, theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA). Ba ngân hàng lớn nhất – MUFG, Mizuho và SMBC – chiếm tới 400.000 két sắt. Mặc dù dịch vụ này không mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng các ngân hàng vẫn duy trì vì nó giúp giữ chân khách hàng.

Tại SMBC, ngân hàng sở hữu 130.000 két sắt, khách hàng có thể thuê một két có kích thước 14cmx28cmx53cm trong sáu tháng với giá 23.100 yên (khoảng 154 USD). Với loại két nhỏ nhất và rẻ nhất, giá thuê chỉ khoảng 11.000 yên – một mức giá khá hợp lý.

Két sắt an toàn – Có thực sự an toàn?

Một trong những vấn đề đáng lo ngại là mức độ an toàn của két sắt tại Nhật Bản. Một chuyên gia phân tích ngân hàng ở Tokyo cho rằng: “Hóa ra, người giúp bạn mở két cũng có thể lấy tiền của bạn đi”.

Trong một hệ thống vốn dựa trên niềm tin cao, những vụ trộm như vậy có thể gây tác động sâu rộng. Vị chuyên gia này cho biết: "Những vụ trộm thực sự gây sốc ở Nhật Bản...Các ngân hàng vốn là những tổ chức có địa vị cao và được kỳ vọng sẽ hành xử đúng mực. Tôi nghĩ có một cảm giác phản bội sâu sắc...Điều này làm suy yếu niềm tin vào hệ thống".

Tại sao Chính phủ muốn hạn chế két sắt an toàn?

Cả Chính phủ và các ngân hàng đều có lý do để muốn giảm sự phụ thuộc vào két sắt an toàn. Thực tế, chỉ có khách hàng là người hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống này, trong khi ngân hàng phải chịu chi phí duy trì dịch vụ, còn Chính phủ thì mất đi một nguồn thu thuế đáng kể.

Nhật Bản cũng đang khuyến khích người dân đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tài trợ cho hệ thống hưu trí. Một số ngân hàng đã bắt đầu từ bỏ dịch vụ két sắt an toàn, trong đó có Mizuho, ngân hàng đã ngừng nhận đơn đăng ký thuê két từ tháng 1 vì không kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng.

Tuy nhiên, tại sao Chính phủ không đẩy nhanh quá trình này? Vấn đề là két sắt không chỉ dành cho giới nhà giàu mà còn được tầng lớp trung lưu sử dụng rộng rãi. Đây là nhóm cử tri quan trọng mà cả chính trị gia lẫn ngân hàng đều không muốn làm phật lòng. MUFG, chẳng hạn, vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì dịch vụ này.

Vì vậy, tuần trước, FSA đã thực hiện hai động thái nhằm trấn an khách hàng và đồng thời hạn chế dòng tiền không rõ nguồn gốc trong hệ thống. Một mặt, cơ quan này yêu cầu các ngân hàng tăng cường bảo mật. Mặt khác, họ đề xuất siết chặt các điều kiện gửi tiền mặt và tài sản vào két sắt – những loại tài sản thường được sử dụng để rửa tiền.

Đây có lẽ là giới hạn mà chính phủ và các ngân hàng sẵn sàng tiến xa vào thời điểm hiện tại.

Tham khảo FT

>> Chưa từng có trong lịch sử, Nhật Bản sắp thu về hơn 236.000 tỷ đồng nhờ 'vàng mọc đầy đường'

Chân dung ‘đại gia’ Nhật Bản ngỏ ý đầu tư 5.200 tỷ đồng làm loại đường sắt chưa từng có tại Việt Nam

Chuỗi nhà hàng Nhật Bản có nhiều chi nhánh ở Việt Nam đóng cửa toàn bộ 2.000 cửa hàng vì bê bối chuột trong bát súp

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/thiet-lap-15-trieu-ket-sat-an-toan-chuyen-gi-dang-xay-ra-139657.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thiết lập 1,5 triệu két sắt an toàn, chuyện gì đang xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH