Thiếu hụt nguyên liệu, các nhà máy phân bón ở châu Âu đồng loạt cắt giảm sản lượng

17-09-2022 19:33|Duy Anh

Theo Argus Media, sản lượng phân đạm của Liên minh châu Âu đang giảm khoảng 400.000 - 500.000 tấn/tháng.

Thị trường phân bón nitơ của châu Âu đang làm trầm trọng thêm tình trạng tăng giá ở Bắc Mỹ khi hàng loạt các nhà máy cắt giảm sản lượng vì thiếu hụt nguyên liệu.

Josh Linville, nhà phân tích của hãng StoneX cho biết: “Hãy thắt dây an toàn cho các chuyến đi. Tôi không muốn nói ra điều này, nhưng tôi nghĩ rằng sự biến động sẽ sắp xảy ra trong tương lai gần.”

Theo phân tích của hãng Argus Media, sản lượng phân đạm của Liên minh châu Âu đang giảm khoảng 400.000 - 500.000 tấn mỗi tháng. Khởi đầu là việc các nhà máy sản xuất phân bón ở Ba Lan ngừng hoạt động và sau đó đã lan rộng ra toàn khu vực khi các công ty sản xuất phân bón lớn như Achema, Yara và Borealis đồng loạt đóng cửa các nhà máy của họ.

Việc cắt giảm sản lượng phân bón bao gồm phân urê, amoni nitrat, canxi amoni nitrat và urê amoni nitrat (UAN).

“Theo một ước tính dè dặt, các nhà máy ở châu Âu sẽ sớm cắt giảm sản lượng, giảm công suất thiết kế xuống dưới một nửa đối với những sản phẩm phân bón trên. Đây là điều chưa từng xảy ra, ngay cả trong giai đoạn nhu cầu xuống thấp theo mùa trong mùa hè”, báo cáo từ Argus Insight cho biết.

Cuộc khủng hoảng phân bón tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng ở châu Âu khi chỉ có chưa đầy 30% công suất sản xuất phân bón UAN dự kiến ​​sẽ hoạt động vào đầu mùa thu, bất chấp sự bù đắp nguồn cung rẻ hơn của Mỹ đang thay thế một phần khối lượng bị mất.

Hiện các nhà máy sản xuất phân urê trên toàn châu Âu đang hoạt động cầm chứng ở mức một phần tư công suất bình thường. Dự báo sẽ chỉ có hai trong số tám triệu tấn thuộc năng lực sản xuất của khu vực ​​còn tiếp tục hoạt động.

Chuyên gia phân tích Linville cho rằng, tình hình sẽ còn trầm trọng hơn khi ông tin rằng các nhà máy toàn khu vực EU đang hoạt động với 20% năng lực sản xuất của mình.

Liên minh châu Âu (EU) chiếm 5% sản lượng phân urê toàn cầu, 8,3% sản lượng phân khan và 21% sản lượng phân UAN. Điều này có nghĩa là EU sẽ là một đối thủ cạnh tranh gay gắt đối với nguồn cung có sẵn trên thị trường xuất khẩu, và điều này sẽ được phản ánh qua giá cả.

Giá các loại phân bón đã tăng đáng kể trong mùa hè, khi giá phân urê trung bình một sà lan ở New Orleans đã tăng lên 711 USD/tấn từ mức 470 USD vào giữa tháng 6.

Ông Linville cho rằng, triển vọng thị trường phân bón có thể còn tăng hơn nữa nếu EU tiếp tục cắt giảm.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu phân đạm của châu Âu là việc Nga đóng cửa đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1. Khí tự nhiên là nguyên liệu thô được sử dụng phổ biến nhất để sản xuất amoniac và urê. Và một khi vấn đề khí đốt trên được khắc phục thì giá phân đạm thế giới sẽ thay đổi theo chiều hướng giảm.

Trong bối cảnh đó, châu Âu sẽ tranh giành nguồn cung cấp các sản phẩm phân bón nitơ từ khắp nơi trên thế giới để có được khối lượng mà họ cần. “Nguồn cung phân bón không co giãn, cho thấy nhu cầu ở các khu vực khác là cần thiết. Hiện lượng dự trữ phân urê chủ yếu đang nằm ở Trung Quốc, quốc gia đã hạn chế xuất khẩu kể từ năm ngoái để tránh lạm phát giá trong nước và chính sách này không có dấu hiệu thay đổi”, theo Argus Media.

Hãng này cho rằng, vấn đề khủng hoảng thiếu phân bón có thể xảy ra trong một thời gian dài và chủ yếu sẽ tập trung ở các thị trường ít xuất khẩu ngũ cốc hoặc được trợ cấp phân bón.

Ông Putin tặng 300.000 tấn phân bón cho Châu Âu?

Ngày 17/9, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang diễn ra tại thành phố Samarkand, Uzbekistan, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, hiện Liên minh châu Âu (EU) mới chỉ gỡ bỏ "một phần" các lệnh trừng phạt đối với Moscow, gây cản trở khả năng xuất khẩu và vận chuyển phân bón đi khắp thế giới.

Ông Putin cho biết, Nga hoan nghênh quyết định của Liên minh châu Âu về việc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt hậu cần đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga, nhưng cáo buộc khối này đã hành động một cách "ích kỷ" khi chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các thành viên của mình.

"Chỉ có họ mới có thể mua phân bón của chúng tôi. Nhưng còn các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo nhất thế giới thì sao?”, nhà lãnh đạo Nga nêu câu hỏi tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo SCO.

Việc cho phép phân bón của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu là mộtphần của bản thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đạt được giữa bốn bên gồm, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc hồi tháng 7, khi Nga dỡ bỏ lệnh phong tỏa quân sự đối với các cảng biển phía nam của Ukraine và cho phép Kiev nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

Ông Putin nói thêm, hiện Nga có khoảng 300.000 tấn phân bón vẫn đang bị mắc kẹt ở các cảng biển châu Âu do các rào cản thương mại. Theo đó, Moscow sẵn sàng cho không lượng phân bón này đến các nước đang phát triển, một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Ông Putin khẳng định: "Nga sẵn sàng tặng các nước đang phát triển hơn 300.000 tấn phân bón bị mắc kẹt tại các cảng châu Âu, nếu EU nới lỏng các lệnh trừng phạt".

Áp lực "bão giá" lương thực, xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể giảm 25% trong 2022

Đạm Cà Mau (DCM) chi gần 120 tỷ đồng làm nhà máy sản xuất tại Bình Định

Nợ thuế, một doanh nghiệp phân bón bị cưỡng chế ngừng sử dựng hóa đơn

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thieu-hut-nguyen-lieu-cac-nha-may-phan-bon-o-chau-au-dong-loat-cat-giam-san-luong-149215.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thiếu hụt nguyên liệu, các nhà máy phân bón ở châu Âu đồng loạt cắt giảm sản lượng
    POWERED BY ONECMS & INTECH