Thống đốc lo ngại hệ lụy 'khôn lường' nếu xóa bỏ công cụ hạn mức tín dụng

26-05-2024 18:55|Dương Lam

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lo ngại nếu để ngân hàng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng như giai đoạn trước năm 2011.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo trình Quốc hội, trong đó có nội dung về nhiệm vụ “Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD)”. Đây là một trong những nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao cho NHNN.

Theo Thống đốc, từ năm 2023 trở về trước, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD, trong đó nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tăng trưởng tín dụng theo kiểm soát tín dụng (room tín dụng) tại thời điểm cuối năm và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài với quy mô nhỏ được tăng trưởng theo kế hoạch tự xây dựng để phù hợp với đặc thù hoạt động.

Sang năm 2024, NHNN không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này.

Tuy nhiên, nhà điều hành tiếp tục giao room tín dụng đối với các TCTD còn lại. NHNN tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp trên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, NHNN nhận thấy nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Thống đốc, áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-dua-ra-7-yeu-cau-doi-voi-cac-to-chuc-tin-dung-1675945376.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Trước năm 2011, do đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào ngân hàng như kênh cung ứng vốn nên tín dụng và tỷ lệ tín dụng/GDP giai đoạn này cũng tăng nhanh. Kéo theo đó là cuộc đua lãi suất huy động giữa các TCTD để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng. Đồng thời, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, nhiều TCTD có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức hai con số.

Các tổ chức quốc tế (IMF, WB và Moody’s) cảnh báo việc nới lỏng tín dụng trong giai đoạn này làm tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với ổn định kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát nợ xấu.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây thêm ảnh hưởng kéo dài và nghiêm trọng đến nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng.

Trước bối cảnh trên, từ năm 2011 đến nay, NHNN tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành đặc thù.

Quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây.

Kết quả này góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%. Đồng thời, biện pháp trên đã góp phần thúc đẩy các TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất thị trường, báo cáo thông tin.

Đến nay, đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Trong bối cảnh thị trường vốn phát triển chưa tương xứng, thì áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng.

Tình trạng này tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản (khi TCTD chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn). Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn.

Do những đặc thù trên, Thống đốc lập luận rằng nếu để TCTD tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát như room tín dụng thì tình trạng như năm 2011 có thể tái diễn khiến nợ xấu gia tăng, đe dọa sự an toàn hệ thống, gây rủi ro bất ổn vĩ mô chung.

Thống đốc NHNN: Chấm dứt tình trạng cấp tín dụng tập trung vào một số doanh nghiệp, nhóm khách hàng lớn

Đại biểu tỉnh Quảng Trị: Thất bại của gói lãi suất 2%...'chưa hẳn là thất bại'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thong-doc-lo-ngai-he-luy-khon-luong-neu-xoa-bo-cong-cu-han-muc-tin-dung-236190.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thống đốc lo ngại hệ lụy 'khôn lường' nếu xóa bỏ công cụ hạn mức tín dụng
    POWERED BY ONECMS & INTECH