Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị chia sẻ tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 7 sáng ngày 25/5.
Sáng 25/5, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, thảo luận về kết quả thực hiện giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đánh giá “sự thất bại của gói lãi suất 2%” , khi chỉ giải ngân được 3,05%, nhìn ở khía cạnh nào đó cũng “chưa hẳn là thất bại”.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% là một trong những chương trình của Nghị quyết 43/2022/QH15 được đặc biệt chú ý. Cụ thể, gói hỗ trợ 2% là hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, nếu gói này hoạt động tốt, chắc chắn việc đối phó với lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều, như giai đoạn gói kích cầu 2009 đã gây lạm phát của năm 2011.
“Vì những yếu tố đó, Việt Nam đã không lâm vào lạm phát cao như nhiều nước phát triển như Mỹ và Liên minh châu Âu. Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, dù thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội nhưng vẫn được coi là ổn”, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị nói.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, thực tế vẫn còn có tình trạng “tát nước theo mưa”. Tức là, nhân việc Quốc hội và Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà có ngành xin thêm.
“Ví dụ như ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số kỷ lục”, ông Hà Sỹ Đồng nói, và khẳng định, sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng.
“Chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả mặt hàng từ 10% xuống 8% thì lại quá cứng nhắc phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Còn chính sách giãn nộp thuế đến cuối năm, nhiều ý kiến đề nghị giãn thêm vài tháng sang năm sau, vì đây là thời điểm giáp hạt đối với doanh nghiệp. Song điều này lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ ngại điều chỉnh dự toán ngân sách nên đã không trình”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.