Thống đốc yêu cầu các ngân hàng khẩn trương có biện pháp quản lý thị trường vàng
NHNN đánh giá hiện vẫn còn một số tồn tại như: chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 20/1/2025 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025.
Trong đó, NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD) triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ. Ngoài ra, các TCTD cũng cần đề xuất giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong bối cảnh mới.
Liên quan đến công tác này, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương giám sát chặt chẽ thị trường vàng, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II/2025.
![]() |
Thống đốc và Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng có biện pháp quản lý thị trường vàng |
Mới đây, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang, NHNN cho biết, giá vàng trong nước hiện phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá vàng thế giới, do nguồn cung chủ yếu đến từ nhập khẩu.
Tính từ thời điểm NHNN can thiệp bán vàng trực tiếp (3/6/2024) thì giá vàng thế giới còn tăng nhanh hơn giá vàng miếng trong nước. Đến nay, mức chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới đã bước đầu có sự thu hẹp.
Trong thời gian gần đây, giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh. Nguyên nhân chính đến từ căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh.
Về vấn đề quản lý thị trường vàng, trả lời cử tri TP. Hà Nội, NHNN đánh giá hiện vẫn còn một số tồn tại như: chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Do đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ cân nhắc các biện pháp can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) đồng thời hoàn thiện tổng kết việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
>> Thống đốc NHNN chỉ đạo ‘nóng’: 11 nhiệm vụ quan trọng ngành ngân hàng phải làm trong 2025