Thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, cho phép lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa
Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được.
Chiều 23/11, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản  văn hóa sửa đổi. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một số ý kiến nhất trí thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho một số hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc không thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa; có ý kiến đề nghị cho phép tổ chức tôn giáo thành lập quỹ.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc. Trong những năm qua, Nhà nước đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tuy nhiên kết quả chưa đáp ứng yêu cầu.
Trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ về quy định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa và đã được đa số đại biểu nhất trí.
Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa là cần thiết, tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được.
Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của quỹ.
Để bảo đảm phù hợp với điều kiện của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, chỉnh lý, bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để xem xét, quyết định có hay không thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.