Cục Viễn thông đã thông báo thu hồi kho số viễn thông đã phân bổ cho SPT do không nộp phí sử dụng kho số viễn thông.
Ngày 25/1/2024, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) thông báo thu hồi kho số viễn thông đã phân bổ cho Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) do không nộp phí sử dụng kho số viễn thông.
Cục Viễn thông đã phân bổ kho số viễn thông cho Công ty SPT để kinh doanh dịch vụ viễn thông gồm số điện thoại cố định, số 1800, 1900, nhưng Công ty SPT không thực hiện việc nộp phí sử dụng kho số viễn thông cho Nhà nước trong thời gian dài gây ảnh hướng lớn đến công tác quản lý Nhà nước.
Căn cứ điểm c Khoản 2 Điều 50 Luật Viễn thông quy định việc thu hồi kho số viễn thông trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được phân bổ nhưng không nộp phí sử dụng kho số viễn thông, Cục Viễn thông sẽ tiến hành thu hồi kho số viễn thông đã phân bổ cho Công ty SPT trước ngày 31/3/2024.
Để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ viễn thông liên quan tới dịch vụ viễn thông do Công ty SPT cung cấp, Cục Viễn thông thông báo tới các khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông có gắn với kho số viễn thông (số thuê bao điện thoại cố định, số 1800, 1900…) do Công ty SPT cung cấp được biết và chuẩn bị phương án thay thế nhằm tránh thiệt hại do việc doanh nghiệp bị thu hồi kho số viễn thông gây ra.
SPT được thành lập năm 1995 với số vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Năm 1996, SPT bắt đầu cung cấp dịch vụ bưu chính với thương hiệu Saigon Post, năm 1997 cung cấp dịch vụ Internet thương hiệu SaigonNet.
SPT hoạt động trong các lĩnh vực: Viễn thông có dây, viễn thông không dây; cổng thông tin; sản xuất thiết bị truyền thông; bưu chính, chuyển phát; sản xuất, kinh doanh và bảo hành thiết bị bưu chính viễn thông; xây dựng công trình bưu chính viễn thông.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho hay, Tổng cục Bưu điện đã từng trông chờ SPT sẽ là nhân tố tạo nên sự đột phá để chuyển thị trường viễn thông từ độc quyền sang cạnh tranh. Thế nhưng, SPT đã không làm được điều kỳ vọng đó.
SPT cũng là đơn vị sở hữu mạng S-Fone và được phân bổ đầu số 095. Được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất vào tháng 4/2002, SPT đã bước chân vào thị trường viễn thông với nhà mạng mang thương hiệu S-Fone. S-Fone bắt đầu cung cấp dịch vụ từ 1/7/2003 và là nhà cung cấp dịch vụ thoại qua CDMA đầu tiên tại Việt Nam.
Khi bắt đầu cung cấp dịch vụ di động, S-Fone đã tạo ra luồng gió mới với slogan rất hay “S-Fone – nghe là thấy”. Thế nhưng, làn gió thoảng qua này đã không là nhân tố đột phá trên thị trường di động và phải đợi đến sự xuất hiện của mạng di động Viettel để đưa dịch vụ di động phát triển bùng nổ.
S-Fone cung cấp dịch vụ ở thời điểm thị trường di động Việt Nam vẫn trong “thuở hồng hoang” nhưng nhà mạng này đã không thể tận dụng được lợi thế này để phát triển. Đầu tư nhỏ giọt, tính lợi trước mắt đã khiến nhà mạng này vốn sinh ra ở vạch đích đã phải trả cái giá quá đắt và trở thành “con nghiện” của SPT. Những khoản nợ khổng lồ mà S-Fone để lại cho SPT đã khiến cho SPT “sống dở chết dở”. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp “nhòm ngó” đến đầu số 095 và tần số 850 MHz cấp phép cho SPT.
Không chỉ nợ phí kho số, SPT cũng nợ phí tần số rất nhiều năm. Cục Tần số cũng đã nhiều lần báo cáo Bộ Tài chính về vấn đề này.
Tính đến thời điểm năm 2018, vốn điều lệ của Công ty SPT là hơn 1.203 tỷ đồng, trong đó VNPT nắm giữ 8,52%. Ngày 25/5/2018, VNPT đã ra thông báo bán đấu giá phần vốn góp hơn 102,5 tỷ đồng theo mệnh giá, tương đương 8,52% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại Công ty SPT với mức giá khởi điểm 12.038 đồng/cổ phần. Thế nhưng, sau đó phiên đấu giá này đã không thành công vì không có ai mua.
Nhiều năm nay, gần như SPT không còn được nói tới và nhiều người cũng không biết số phận của doanh nghiệp này giờ đã ra sao.
Công ty liên quan đến ông Đặng Thành Tâm nợ bảo hiểm xã hội của nhân viên suốt 74 tháng 
Thu hồi đầu số của SPT, mất 15,3 tỷ đồng vì bị lừa cài ứng dụng giả mạo