Thu ngân sách tăng gần 550 lần sau 27 năm, tỉnh này sau sáp nhập có tiềm lực kinh tế đáng gờm
Hai tỉnh này dự kiến sáp nhập đã có sự gắn bó chặt chẽ với nhau cũng như có nhiều nét tương đồng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý…
Theo Tạp chí Thanh tra, ngày đầu mới tái lập tỉnh năm 1997, kinh tế Hưng Yên ở mức xuất phát điểm thấp với tổng thu ngân sách chỉ đạt hơn 90 tỷ đồng.
Sau quá trình không ngừng nỗ lực và phát triển, đến năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 40.477 tỷ đồng, gấp hơn 449 lần so với năm 1997.
Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, giữa các tuyến giao thông quan trọng. Với vị trí thuận lợi, Hưng Yên nhanh chóng đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế.
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,70% so với cùng kỳ năm trước (đạt kế hoạch đề ra tăng từ 7,5-8%). So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thì Hưng Yên xếp thứ 7/11 tỉnh, thành phố và xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Quy mô nền kinh tế năm 2024 của tỉnh đạt 159.844 tỷ đồng, là một trong những tỉnh có mật độ kinh tế cao của vùng và của cả nước, đạt 172 tỷ đồng/km2; GRDP bình quân đầu người đạt 121,27 triệu đồng, tăng 8,81 triệu đồng so với năm 2023.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, cụ thể năm 2024: Công nghiệp, xây dựng chiếm 62,65%; thương mại, dịch vụ chiếm 24,85%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,78%.
>>Sau sáp nhập, 4 tỉnh này vẫn tiếp tục định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình sẽ hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Ngày 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về dự thảo đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình ; dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của 2 tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Hưng Yên và Thái Bình đã có sự gắn bó chặt chẽ với nhau cũng như có nhiều nét tương đồng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý…
Hưng Yên và Thái Bình có hệ thống giao thông đa dạng và kết nối vùng thuận lợi. Cụ thể, Hưng Yên nằm trên trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 39, đường sắt và các tuyến đường thủy nội địa, tạo lợi thế trong việc kết nối vùng và vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, Thái Bình kết nối liên kết vùng qua các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 39B, đường ven biển và có 5 cửa sông lớn, hệ thống cảng nội địa, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, logistics và công nghiệp.
Bên cạnh đó, Hưng Yên có 17 khu công nghiệp đã được quy hoạch với tổng diện tích đạt khoảng 4.395ha; trong đó, có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Còn tại Thái Bình, Chính phủ đã phê duyệt khu kinh tế Thái Bình với diện tích lên đến 30.583ha. Đây là 1 trong 16 khu kinh tế ven biển trọng điểm của quốc gia, được định hướng phát triển thành trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng, đô thị, dịch vụ và kinh tế biển.
Việc hợp nhất hai tỉnh này sẽ phát huy được những thế mạnh của từng địa phương, tạo ra một không gian phát triển liên hoàn, khai thác tốt hơn những lợi thế về địa lý, quỹ đất... cũng như khắc phục những hạn chế về quy mô, nguồn lực... tạo động lực phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế ven biển...
>>3 tỉnh này khi ‘chung một mái nhà’: Đánh thức tiềm năng, hợp lực bứt phá
Chi tiết 39 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập của Hưng Yên
Lý do hợp nhất Thái Bình với Hưng Yên, lấy tên tỉnh mới là Hưng Yên