Doanh nghiệp

Thu nhập bình quân đầu người tại đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ đạt 8.500 USD

Ngân Phát 13/01/2025 - 09:39

Đô thị đặc biệt này đang triển khai hàng loạt chiến lược đột phá nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

UBND TP. HCM vừa ban hành Chỉ thị 19 với mục tiêu tăng cường kỷ cương hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 8.500 USD, cùng với 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, để đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số, thành phố cần huy động ít nhất 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó khoảng 488.000 tỷ đồng từ khu vực ngoài Nhà nước. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Dựa trên quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. HCM sẽ triển khai kế hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để làm cơ sở thúc đẩy các dự án quan trọng.

Trong năm 2025, vốn đầu tư Nhà nước dự kiến chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội, tương đương 112.000 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công sẽ triển khai với tổng vốn 84.000 tỷ đồng, với mục tiêu hoàn tất phân bổ ngay trong quý I/2025. Đặc biệt, các thủ tục phê duyệt dự án sẽ được rút ngắn tối đa, chỉ từ 1-3 ngày làm việc.

>> Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

Thu nhập bình quân đầu người tại đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ đạt 8.500 USD
TP. HCM đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người vượt 8.500 USD

TP. HCM dự kiến thực hiện 10 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và thể thao. Ngoài ra, thành phố cũng đặt mục tiêu thu hút 178.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân, thông qua các dự án mới, đầu tư mở rộng và hoạt động M&A. Thành phố sẽ triển khai quy hoạch và thủ tục đầu tư cho 11 khu vực phát triển theo mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) trên diện tích hơn 1.100ha.

TP. HCM cũng sẽ ưu tiên thực hiện các đề án chiến lược, như Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam, các dự án hạ tầng giao thông lớn gồm tuyến đường ven biển, đường sắt đô thị và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, cũng như chương trình phát triển các trung tâm logistics và Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế.

Năm 2024, TP. HCM đạt cột mốc lịch sử khi trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có thu ngân sách trên 500.000 tỷ đồng. Năm 2025, thành phố được Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách 506.670 tỷ đồng, chiếm 25,76% tổng dự toán cả nước và tăng 4,97% so với năm trước.

Với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, TP. HCM đang tạo ra những nền tảng quan trọng để khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực.

Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. TP. HCM có diện tích 2.095,39km2, là một siêu đô thị trong tương lai gần. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam.

>> Việt Nam sẽ có đô thị sân bay đầu tiên, xây dựng theo tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế

Vừa khai trương siêu thị AEON thứ 9, ông lớn bán lẻ Nhật Bản hé lộ chiến lược 'đặc biệt' tại Việt Nam

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 'hồi sinh' sau 8 năm tạm dừng: Thủ tướng lập ban chỉ đạo xây dựng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-tai-do-thi-dac-biet-cua-viet-nam-se-dat-8500-usd-271127.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thu nhập bình quân đầu người tại đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ đạt 8.500 USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH