Việt Nam sẽ có đô thị sân bay đầu tiên, xây dựng theo tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế
Đô thị sân bay này được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển đột phá với mô hình vệ tinh.
Ngày 11/1, UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) công bố kế hoạch phát triển khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành , hướng đến xây dựng một đô thị sân bay hiện đại, năng động và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây được xem là mô hình đô thị sân bay đầu tiên tại Việt Nam, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ và giao thương hàng đầu.
Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, huyện đã rà soát và đề xuất các vị trí phù hợp với chức năng quy hoạch. Trong đó, khu vực phía Tây Nam và Đông Bắc sân bay được quy hoạch cho phát triển thương mại, dịch vụ, tài chính và tổ chức sự kiện, với tổng diện tích khoảng 1.700ha.
Khu vực phía Nam sân bay (thuộc huyện Long Thành) và phía Đông Bắc (thuộc huyện Cẩm Mỹ) sẽ tập trung phát triển logistics, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học quy mô khu vực và quốc tế, với diện tích 7.100ha.
Phía Đông Nam sân bay (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) được đề xuất quy hoạch khu vui chơi, văn hóa, thể thao và du lịch nghỉ dưỡng trên diện tích khoảng 1.800ha.
Ngoài ra, khu vực nghiên cứu, giáo dục đào tạo quốc tế rộng 100ha sẽ được bố trí tại các xã Phước Bình và Tân Hiệp, huyện Long Thành.
Sân bay Long Thành hiện đang trong quá trình xây dựng |
>> Long Thành sẽ là đô thị sân bay đầu tiên của Việt Nam 
Các khu đô thị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng được quy hoạch để phục vụ nhu cầu sinh sống và nghỉ dưỡng của cư dân. Điển hình gồm khu phức hợp đô thị dịch vụ Long Thành (2.800ha tại xã Tam An, An Phước), khu đô thị sinh thái Long Phước - Phước Thái (1.500ha tại xã Long Phước, Phước Thái) và khu đô thị Lộc An - Bình Sơn (2.000ha tại xã Lộc An, Bình Sơn).
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Long Thành được định vị là một trong những cực tăng trưởng chính của tỉnh, kết nối trực tiếp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường không và đường thủy.
Dự kiến, Long Thành sẽ đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2030 và trở thành đô thị loại II sau mốc thời gian này. Quy hoạch đô thị Long Thành gắn liền với sân bay quốc tế, khai thác hiệu quả hệ sinh thái và lợi thế tự nhiên của khu vực.
Ngày 20/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Đồng Nai.
Để hiện thực hóa các định hướng trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận”. Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, sân bay Long Thành và sông Đồng Nai là hai lợi thế cạnh tranh phát triển của tỉnh.
"Đô thị sân bay Long Thành được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển đột phá với mô hình vệ tinh, tập trung cơ sở hạ tầng, sử dụng đất và kinh tế xoay quanh sân bay", ông Hà chia sẻ.
Cuối tháng 12/2024, hội nghị chấm điểm vòng 2 cuộc thi đã được tổ chức, với 10 phương án được trình bày bởi các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước. Cuộc thi nhấn mạnh các tiêu chí quy hoạch một đô thị xanh, hiện đại, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của vùng và tỉnh Đồng Nai.
Sau khi hoàn tất, ý tưởng quy hoạch tối ưu nhất sẽ được chọn làm cơ sở lập quy hoạch chung đô thị Long Thành, bảo đảm đồng bộ và phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.