Thủ tướng Hungary cảnh báo NATO sắp đối đầu trực diện với Nga
Theo Thủ tướng Orban, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương đang làm mọi cách để tăng cường sự hiện diện tại Kiev.
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết nước này đang xem xét lại vai trò của mình trong NATO do Budapest không có ý định tham gia vào xung đột tại Ukraine hay lôi kéo các quốc gia thành viên trong khối vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Phát biểu trên Đài phát thanh Kossuth, ông Orban cho biết đất nước của ông hiện đang gặp nhiều sức ép trong khối quân sự do Mỹ dẫn đầu, do quan điểm khác biệt về Ukraine. Quan chức này cũng cho biết Hungary đang nghiên cứu cách thức hợp pháp để vừa có thể duy trì tư cách thành viên, vừa có quyền từ chối tham gia vào các động thái của NATO nếu cảm thấy không phù hợp với mục tiêu quốc gia.
“Hungary cần phải xác định lại lập trường của mình. Các luật sư và quan chức của chúng tôi đang tìm cách giúp Hungary vẫn tiếp tục là thành viên NATO mà không cần tham gia vào hoạt động của tổ chức này bên ngoài lãnh thổ của khối. Chúng ta cần phải luôn giữ vững quan điểm là lực lượng ủng hộ hòa bình trong NATO” – ông trả lời với truyền thông.
Theo thủ tướng, có những nét tương đồng giữa những động thái hay tuyên bố gần đây của các chính trị gia phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine và bầu không khí trước khi Thế chiến thứ nhất và thứ hai diễn ra.
“Những gì đang xảy ra tại Brussels và Washington có vẻ như đang báo hiệu cho một cuộc đối đầu trực diện giữa phương Tây và Moscow. Châu Âu dường như đang chuẩn bị tham gia vào xung đột” – Ông Orban cho biết, đồng thời nói thêm các quan chức NATO đang xem xét những giải pháp để khối có thể tăng cường sự hiện diện tại Kiev.
Ông cảnh báo những động thái trên có thể dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa EU, NATO và Nga và một viễn cảnh khủng khiếp có thể xảy ra khi đây là cuộc chiến của các cường quốc hạt nhân.
Thủ tướng Hungary nhấn mạnh NATO được thành lập với mục đích bảo vệ các quốc gia thành viên trước các quốc gia hiếu chiến và không tiến hành bất kỳ cuộc chiến nào bên ngoài lãnh thổ của mình. Đối với những cảnh báo của phương Tây về việc Nga có thể tấn công châu Âu nếu đánh bại Ukraine, Ông Orban cho rằng khả năng xảy ra điều này là vô cùng thấp.
Hungary đã phản đối việc NATO tài trợ và trang bị vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022. Nước này không gửi bất kỳ vũ khí nào đến Kiev cũng như không cho phép phương Tây sử dụng lãnh thổ của mình để vận chuyển vũ khí, bất chấp áp lực từ cả Brussels và Washington. Budapest đã kêu gọi ngừng bắn cũng như các giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Bị phương Tây đe dọa tịch thu tài sản 300 tỷ USD, ông Putin ký sắc lệnh đáp trả 
Vì sao Nga -Trung bắt tay nhau tại Bắc Cực khiến NATO lo ngại? 
Chi tiêu quân sự năm 2023: Siêu cường số 1 cao gấp đôi 31 nước NATO cộng lại