Thủ tướng ra chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ sữa giả
Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm vụ việc sản xuất và phân phối sữa giả đang gây xôn xao dư luận.
Ngày 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 40 gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm vụ việc sản xuất và phân phối sữa giả đang gây xôn xao dư luận.

Theo nội dung công điện, thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng một số cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có hành vi sản xuất, quảng cáo và đưa ra thị trường các sản phẩm sữa giả, kém chất lượng. Vụ việc khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng vì có thể đã sử dụng những sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là phòng chống thực phẩm giả, đã được Chính phủ phân công rõ ràng cho các bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của vụ việc, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hiệu quả quản lý từ các cơ quan chức năng.
Chỉ đạo cụ thể từng bộ, ngành:
- Bộ Công an được yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ toàn bộ đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả, công khai kết quả để người dân nắm rõ và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
- Bộ Công Thương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, đặc biệt là sữa không rõ nguồn gốc. Mọi vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ phối hợp rà soát toàn diện hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, mạng xã hội và các ấn phẩm. Những nội dung quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cần bị xử lý theo đúng quy định pháp luật.
- Bộ Y tế, phối hợp cùng Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, tiến hành rà soát hệ thống pháp lý hiện hành liên quan đến an toàn thực phẩm đối với sữa. Trên cơ sở đó, kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp và đề xuất sửa đổi nếu phát hiện bất cập.
- UBND các tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá một đường dây sản xuất và kinh doanh sữa bột giả hoạt động từ tháng 8/2021 đến nay. Các đối tượng lập ra hai công ty "bình phong" là Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để hợp thức hóa việc sản xuất.
Tính đến khi bị phát hiện, nhóm đối tượng đã tung ra thị trường tới 573 nhãn hiệu sữa bột, chủ yếu dành cho các đối tượng nhạy cảm như người bệnh tiểu đường, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai. Kiểm nghiệm cho thấy, nhiều sản phẩm chỉ đạt chưa đến 70% chất lượng công bố; thậm chí, một số không hề chứa các thành phần đắt tiền như tổ yến hay đông trùng hạ thảo như quảng cáo.
Chỉ trong vòng 4 năm, nhóm này đã thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng, thông qua hệ thống phân phối rộng khắp và tinh vi.
>> Bộ Y tế yêu cầu rà soát, xử lý bác sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm