Thủ tướng: Việt Nam được Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam được Mỹ ưu tiên đàm phán thương mại, phiên đầu tiên diễn ra ngày 7/5. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Chính phủ đã chủ động nhiều giải pháp ứng phó, giữ vững mục tiêu tăng trưởng.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sáng 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia được Mỹ ưu tiên tiến hành đàm phán thương mại. Phiên đàm phán đầu tiên giữa hai nước dự kiến diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Thủ tướng nhận định tình hình thế giới thời gian qua có nhiều biến động phức tạp, trong đó đáng chú ý là chính sách thuế đối ứng của Mỹ với mức cao, trước khi tạm hoãn 90 ngày đối với các đối tác (ngoại trừ Trung Quốc), áp dụng mức thuế lâm thời 10%.
Diễn biến trên gây sức ép lớn đến tăng trưởng toàn cầu, tác động chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế. Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp kịp thời, linh hoạt nhằm ứng phó, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán với Mỹ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững.
Ngày 1/5 vừa qua, đoàn công tác cấp kỹ thuật của Việt Nam đã sang Mỹ, làm việc với các cơ quan liên quan để chuẩn bị cho đàm phán. Đồng thời, Chính phủ đang khẩn trương ban hành Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược, siết chặt giám sát xuất xứ hàng hóa và mở rộng thị trường nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Song song đó, các Bộ, ngành cũng đang xây dựng gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.
![]() |
Thủ tướng phát biểu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV |
Trước đó, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng tiết lộ, Việt Nam nằm trong nhóm các nước được Mỹ ưu tiên đàm phán, cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.
Đáng chú ý, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản (3 trong số 6 quốc gia ưu tiên đàm phán) đã được Tổng thống Donald Trump chia sẻ có khả năng đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định không muốn vội vàng, bởi Mỹ đang hưởng lợi từ chính sách thuế quan hiện nay và đang ở thế "mạnh" trong đàm phán. Ông đồng thời cho biết sẵn sàng đặt ra các điều khoản riêng nếu các thỏa thuận chưa tối ưu.
Giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8%
Theo kế hoạch, năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, quy mô nền kinh tế trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người vượt mốc 5.000 USD.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh nhiều thách thức, Chính phủ xác định loạt giải pháp mạnh mẽ về tài khóa, tiền tệ và cải cách hành chính. Trong đó, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%, đồng thời sẵn sàng điều chỉnh bội chi lên mức 4 - 4,5% GDP khi cần thiết, nhằm tạo dư địa đầu tư phát triển.
Chi thường xuyên sẽ được tiết giảm tối đa để dành nguồn lực giải ngân cho các dự án đầu tư công, ưu tiên các công trình trọng điểm quốc gia.
Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý dứt điểm các ngân hàng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.
Trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xử lý tận gốc các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là thuốc, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Các hoạt động quảng cáo sai sự thật sẽ bị ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.
Chính phủ cũng cam kết cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết.
Một trong những điểm nhấn chiến lược là đề xuất ban hành nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội nhằm phát triển kinh tế tư nhân thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Chính phủ đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.