‘Con đường tơ lụa’ mới trong thế kỷ 21: Một tuyến đường sắt tỷ đô – hàng loạt cơ hội chờ doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng quyết liệt, quốc gia nào kiểm soát được các điểm giao thoa hạ tầng sẽ sở hữu ưu thế vượt trội về địa chính trị và kinh tế. Việt Nam, với vị trí địa lý trung tâm giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, đang hội tụ đầy đủ điều kiện để vươn lên như một trung tâm logistics mới, đóng vai trò đầu mối trong mạng lưới vận tải khu vực.
Trong công điện gửi đến các địa phương ngày 30/4, Thủ tướng yêu cầu đốc thúc tiến độ triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cụ thể, việc giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trong tháng 8 để bàn giao, phục vụ thi công. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được giao trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho dự án. Các công việc nêu trên nhằm đáp ứng tiến độ khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ngày 19/12.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD. Điểm đầu dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng), dài gần 391km; chiều dài tuyến nhánh 27,9km, đi qua 9 tỉnh, thành Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường sắt được đầu tư mới đường đơn, khổ 1.435m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; tốc độ thiết kế 120km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội; tốc độ 80km/h với các đoạn tuyến còn lại; phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất năm 2030.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng - “con đường tơ lụa mới” nối liền Trung Quốc – ASEAN – Biển Đông
Trong bối cảnh thế giới đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tìm kiếm những tuyến vận tải thay thế các “điểm nghẽn” truyền thống, tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng được kỳ vọng như một trục chiến lược có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics mới của Đông Nam Á.
Nhiều thập kỷ qua, phần lớn thương mại toàn cầu phụ thuộc vào các tuyến hàng hải truyền thống như eo biển Malacca hay kênh đào Suez. Tuy nhiên, sự căng thẳng địa chính trị, xung đột khu vực, cùng với các biến động khó lường như đại dịch COVID-19 hay chiến sự Nga – Ukraine đã khiến doanh nghiệp toàn cầu phải tính đến phương án “hậu biển cả” – tìm kiếm những tuyến logistics mới, an toàn hơn, đa dạng hơn và linh hoạt hơn.
Theo đó, đường sắt xuyên biên giới kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á qua lãnh thổ Việt Nam đang được xem là một trong những lời giải hấp dẫn nhất. Tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng, nếu được hiện đại hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể đóng vai trò như một trục xương sống kết nối nội địa Trung Quốc với cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam, từ đó vươn ra toàn cầu.
Bàn về vị trí chiến lược, Việt Nam nằm ở trung tâm dòng chảy thương mại mới. Đất nước ta có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400km với Trung Quốc, tiếp giáp với khu vực Tây – Nam bao gồm các tỉnh như Vân Nam – Quý Châu – Tứ Xuyên, nơi đang phát triển mạnh mẽ nhưng lại cách xa các cảng biển miền Đông Trung Quốc (Thượng Hải, Quảng Châu).
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng là mắt xích quan trọng trong mạng lưới kết nối khu vực khi điểm đầu nối với mạng đường sắt Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam), và điểm cuối là cảng biển quốc tế Hải Phòng – một trong những cảng quan trọng nhất miền Bắc Việt Nam.
Với sự ra đời của tuyến đường sắt này, tổng thời gian từ nội địa Trung Quốc đến cảng biển quốc tế sẽ ngắn hơn đáng kể so với tuyến đi đường biển truyền thống qua miền Đông.
Tỉnh Vân Nam, nơi tiếp giáp Lào Cai, là khu vực cửa ngõ của Trung Quốc với Đông Nam Á. Tuy nhiên, địa hình đồi núi khiến việc kết nối với các cảng biển miền Đông Trung Quốc mất nhiều thời gian và chi phí. Trong khi đó, nếu được kết nối hiệu quả qua tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng, hàng hóa từ Tây – Nam Trung Quốc có thể nhanh chóng được đưa ra Biển Đông, tiết kiệm hàng trăm km di chuyển so với các tuyến truyền thống.
Tuyến đường sắt được kết nối khổ tiêu chuẩn (1.435 mm), đồng bộ hải quan, logistics, hệ thống ICD (cảng cạn), hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng – Biển Đông được kỳ vọng trở thành một “con đường tơ lụa” mới của thế kỷ 21.
![]() |
Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Quảng Ninh. Đồ họa: Hoàng Khánh (Nguồn: VnExpress) |
Sự kết nối này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn biến Việt Nam thành “trạm trung chuyển” hàng hóa giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, giữa đất liền và đại dương. Theo đó, hàng hóa từ ASEAN (Lào, Thái Lan, Campuchia) có thể được vận chuyển bằng đường bộ – đường sắt – đường biển qua Việt Nam để đến Trung Quốc hoặc đi xa hơn tới châu Âu, Trung Đông.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng không chỉ là dự án hạ tầng, mà còn là phép thử cho tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong thế kỷ 21. Đó là tuyến đường của sự kết nối không chỉ cho Trung Quốc, mà cho cả ASEAN, giúp Việt Nam không chỉ là điểm qua, mà là điểm đến, điểm trung tâm của một châu Á đang vận động không ngừng.
Trở thành ‘hub logistics’ của Đông Nam Á, cơ hội bứt phá của Việt Nam
Nhìn xa hơn, tuyến đường sắt này có thể mang lại nhiều lợi ích chiến lược to lớn cho Việt Nam.
![]() |
Song song với tiềm năng vô hạn là những thách thức không hề nhỏ đang đón chờ phía trước.
Để hiện thực hóa giấc mơ đó, Việt Nam giải quyết bài toán then chốt về việc thu hút vốn ODA, vay ưu đãi và mô hình PPP cho chi phí đầu tư lớn. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ để cạnh tranh với tuyến đường sắt Trung – Lào – Thái: Tuyến Côn Minh – Viêng Chăn – Bangkok cũng đang được khai thác, nếu Việt Nam chậm chân sẽ mất lợi thế trung chuyển.
![]() |
Các tuyến đường sắt kết nối Thái Lan - Lào - Trung Quốc, dự kiến hoàn thành năm 2030. Đồ họa: AFP |
Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia vào dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy sự chủ động của các doanh nghiệp trong nước trong việc tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam” diễn ra vào tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực xây lắp, viễn thông, thép và công nghiệp ô tô như Viettel, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ), Tập đoàn Trường Hải (THACO), Công ty Trung Chính… đồng loạt khẳng định đã sẵn sàng về nguồn lực để tham gia vào thị trường công nghiệp đường sắt. Tuy nhiên, các đơn vị cũng nhấn mạnh rằng cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và thuận lợi từ phía Nhà nước, đặc biệt liên quan đến thuế, ưu đãi tín dụng và hình thức lựa chọn nhà thầu.
Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FECON (HoSE: FCN), cho biết từ năm 2014, doanh nghiệp này đã cử các chuyên gia, kỹ sư ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Cường khẳng định doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và đảm nhiệm thi công các hạng mục hạ tầng hiện đại như nền, móng và toàn bộ kết cấu dưới ray. Để hiện thực hóa điều này, lãnh đạo FECON đề xuất Nhà nước cần ban hành bộ tiêu chí rõ ràng cho việc lựa chọn doanh nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm giúp các doanh nghiệp nội địa dễ dàng tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến.
Về sản xuất đầu máy và toa xe, ông Phạm Trường Tùng, Giám đốc cao cấp kỹ thuật công nghệ của CTCP Công nghiệp THACO khẳng định doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia nếu có sự hỗ trợ từ chính sách. Ông Tùng đề xuất miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa thể sản xuất trong nước, đồng thời áp dụng ưu đãi đầu tư theo các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Ở lĩnh vực thông tin tín hiệu đường sắt, ông Lê Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions (thuộc Tập đoàn Viettel) tự tin khẳng định: “Viettel sẵn sàng làm chủ công nghệ này”. Ông Hiếu đề xuất Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các đơn vị trong nước tiếp cận chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với đối tác quốc tế.
Trong khi đó, Hòa Phát cũng sẽ bắt tay khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt ngay trong tháng 5 này với mục tiêu cung cấp sản phẩm phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Hạ tầng là nền tảng tăng trưởng, doanh nghiệp Việt vừa hưởng lợi, vừa có trách nhiệm đầu tư đón đầu
Việc phát triển tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng không chỉ là một chiến lược hạ tầng quốc gia, mà còn mở ra không gian tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp logistics, cảng biển, bất động sản công nghiệp.
Trước hết, "con đường tơ lụa mới" là đường băng tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp logistics Việt Nam (đặc biệt đường sắt và đường biển), dòng tiền mới sẽ đến nếu chủ động mở rộng.
Đối với đường sắt, các doanh nghiệp như VNR, RATRACO (công ty con của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cần được tái cơ cấu để trở thành đơn vị vận hành dịch vụ xuyên biên giới chuyên nghiệp.
Với cảng biển và ICD, doanh nghiệp sở hữu cảng tại Hải Phòng như Gemadept (GMD), Hải An (HAH), Đình Vũ Port (DVP) hay các ICD tại miền Bắc có thể tận dụng lượng hàng hóa quá cảnh Trung Quốc – ASEAN – Việt Nam để gia tăng doanh thu khai thác và logistics trọn gói.
Doanh nghiệp logistics tổng hợp như Viettel Post, Sotrans, Vinalink, Transimex (TMS) có cơ hội mở rộng chuỗi dịch vụ nhờ vào kết nối liên vận quốc tế từ cửa khẩu đến cảng biển.
Hiện, các trung tâm logistics như Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang đang được quy hoạch để tích hợp vận tải đa phương thức, kho thông minh, và dịch vụ logistics giá trị gia tăng.
Nhóm bất động sản công nghiệp cũng đón điều tích cực từ sự trỗi dậy của hành lang kinh tế Lào Cai – Hải Phòng
Hành lang Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng nếu trở thành trục logistics mới, sẽ kéo theo nhu cầu tăng cao về kho bãi, nhà máy, trung tâm phân phối. Các doanh nghiệp như Kinh Bắc City (KBC), Viglacera (VGC), Nam Tân Uyên (NTC), Long Hậu (LHG)… đang đầu tư vào khu công nghiệp phía Bắc được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng di chuyển sản xuất và đầu tư logistics.
Dòng vốn FDI cũng sẽ ưu tiên các khu công nghiệp có kết nối gần tuyến đường sắt và cảng biển – mở ra tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho các doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất quy mô lớn.
Đặc biệt với với tổng vốn đầu tư lên tới 203.000 tỷ đồng, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho các nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng trong nước tham gia, qua đó góp phần đặt nền móng cho việc triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư lên đến 67 tỷ USD.
Việc các doanh nghiệp Việt như THACO, Hòa Phát, FECON tích cực tham gia vào dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cho thấy sự chủ động và năng lực ngày càng được nâng cao trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Tựu chung lại, tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng không chỉ là cơ hội từ Nhà nước, mà là lời kêu gọi đầu tư từ thị trường. Doanh nghiệp Việt nếu muốn thực sự hưởng lợi cần:
Chủ động tái cấu trúc, nâng cấp năng lực vận hành logistics quốc tế;
Đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, theo dõi hàng hóa xuyên biên giới;
Tham gia vào quy hoạch logistics quốc gia và đề xuất chính sách để tháo gỡ nút thắt thể chế.
>> 'Cú đấm thép' 85.000 tỷ đồng vận hành, Hòa Phát (HPG) báo lãi lớn