Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp đột phá xử lý SCB
Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý SCB, cam kết bảo vệ quyền lợi người dân và đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, diễn ra ngày 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý và đưa ra các giải pháp đột phá để xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến Ngân hàng SCB.
Thủ tướng nhấn mạnh, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; đảm bảo thủ tục thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm lãi suất cho vay và đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN đẩy mạnh phối hợp với chính sách tài khóa để đảm bảo sự hài hòa, đồng bộ trong điều hành.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính được giao:
Phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 trên 15% thông qua chuyển đổi số và áp dụng hóa đơn điện tử.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, triển khai chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí ngay từ đầu năm 2025.
Tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm để bổ sung vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm như tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Hướng dẫn các địa phương tiết kiệm chi để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, bao gồm xóa nhà tạm và nhà dột nát.
Trong phần kết luận, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, trong đó SCB là một trường hợp cần giải quyết dứt điểm.
Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, nguồn: Báo Điện tử Chính phủ |
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), từ tháng 6/2023 đến tháng 9/2024, SCB đã giải thể 120 phòng giao dịch trên cả nước, trong đó TP. HCM chiếm 64 phòng. Tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu NHNN hoàn thiện phương án xử lý SCB trong tháng 12.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Chính phủ sẽ xử lý SCB với tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, quyền lợi hợp pháp của người dân và hạn chế tối đa thất thoát tài sản.
Việc khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý và đưa ra giải pháp đột phá cho SCB là yêu cầu cấp thiết để giải quyết những bất ổn liên quan đến ngân hàng này. Đây cũng là bước quan trọng nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
>> 'Ngân hàng SCB tồn tại nhiều năm trong tình trạng không minh bạch'