Thế giới

Thương chiến Mỹ-Trung sắp tạm lắng?

Thái An 20/04/2025 08:20

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/4 tuyên bố, có thể đạt được một thỏa thuận thương mại mới Trung Quốc “trong vòng 3-4 tuần tới”. Mặc dù đây là tín hiệu hòa giải công khai đầu tiên sau nhiều tháng đối đầu Mỹ-Trung, con đường đi đến một bước đột phá thực sự vẫn đầy rẫy bất ổn, bất đồng chiến lược và các màn kịch chính trị.

Việc chính quyền Tổng thống Trump đột ngột thay đổi giọng điệu (từ việc tăng thuế mạnh tay sang nói chuyện về đàm phán) dường như không phải là sự thay đổi quan điểm mà là một bước đi chiến thuật được tính toán. Việc phía Mỹ tạm hoãn thu các khoản phí cảng biển gây tranh cãi và miễn trừ cho một số mặt hàng nhập khẩu như hàng điện tử tiêu dùng cho thấy nỗ lực nhằm giảm áp lực trong nước trong khi vẫn giữ lại công cụ gây sức ép.

Về phía mình, Trung Quốc đã phản ứng một cách kiềm chế đáng chú ý. Sau khi trả đũa bằng một loạt thuế quan tương xứng, Bắc Kinh đã chuyển hướng sang các biện pháp phi thuế quan, như siết quy định, kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và nhắm vào các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing.

Sự thay đổi này phản ánh tính toán chiến lược của Trung Quốc: duy trì áp lực kinh tế đối với Mỹ nhưng tránh leo thang đối đầu có thể phản tác dụng đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình. Đồng thời, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán, dù chưa xác nhận khả năng sắp đạt được thỏa thuận. Đối với Bắc Kinh, đàm phán chỉ có thể diễn ra trên cơ sở bình đẳng, không phải dưới áp lực hoặc đe dọa.

Mặc dù có những dấu hiệu công khai cho thấy hai bên sẵn sàng hòa giải, các cấu trúc xung đột cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Washington đã áp mức thuế kỷ lục 245% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh đã đáp trả bằng những biện pháp quyết liệt.

Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận, việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ thương mại cũng khó xảy ra. Kịch bản khả thi nhất là hai bên đồng ý rút bớt một phần thuế, giảm được áp lực cả về kinh tế và chính trị, nhưng vẫn giữ lại những công cụ mặc cả chiến lược.

Cả Mỹ và Trung Quốc dường như đang theo đuổi quá trình tách rời chiến lược trong dài hạn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...

Tuy nhiên, hiện có nhiều nghi ngại về tính bền vững trong chiến lược của ông Trump. Trong khi chính sách “Nước Mỹ trên hết” mang lại lợi ích chính trị ngắn hạn, nó cũng có nguy cơ khiến các đồng minh xa lánh và gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn nữa, hệ thống chính trị tập trung quyền lực của Trung Quốc cho phép ông Tập chịu đựng được áp lực kinh tế lâu dài, trong khi ông Trump lại bị ràng buộc bởi kỳ bầu cử và phản ứng của cử tri. Việc Tổng thống Trump liên tục lên giọng rồi xuống nước làm tổn hại đến uy tín và giảm hiệu quả đòn bẩy thương mại của chính mình.

Vì vậy, kịch bản khả dĩ nhất là một thỏa thuận giới hạn - giảm bớt căng thẳng mà không giải quyết các vấn đề cốt lõi. Điều này cho phép hai bên giữ thể diện trong khi duy trì thế phòng thủ chiến lược. Thỏa thuận có thể bao gồm tạm hoãn thuế quan, cam kết mở cửa thị trường và ngưng các biện pháp trả đũa.

>> Nhà đầu tư Trung Quốc tháo chạy khỏi tài sản Mỹ, chuyện gì xảy ra?

Lộ diện quốc gia bất ngờ hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong khi người dân Mỹ 'ngấm đòn'

Cú sốc thương mại Mỹ - Trung tiếp tục đẩy giá vàng lên cao kỷ lục

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/thuong-chien-my-trung-sap-tam-lang-post1735234.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thương chiến Mỹ-Trung sắp tạm lắng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH