Thủy sản Việt Nam lần đầu tiên đạt thành tích vô tiền khoáng hậu tại Singapore
Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 4 đối tác cung ứng thủy sản lớn nhất cho thị trường Singapore, với mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2025.
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong ba tháng đầu năm 2025, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của Singapore đạt gần 283,6 triệu SGD, tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu từ Việt Nam đạt 28,7 triệu SGD, tăng 19,3% so với quý I/2024, chiếm 10,1% tổng thị phần thủy sản nhập khẩu tại quốc đảo này. Thành tích này đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều đối thủ khác để lần đầu tiên đứng vào nhóm 4 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Singapore, sau Malaysia, Indonesia và Na Uy.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện nắm giữ vị trí dẫn đầu về thị phần đối với nhóm sản phẩm philê cá và thịt cá ướp lạnh hoặc cấp đông tại Singapore. Cụ thể, trong ba tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này từ Việt Nam đạt 14 triệu SGD, tăng 2,5% so với cùng kỳ, chiếm 27,8% thị phần – cao nhất trong tất cả các nước xuất khẩu cùng nhóm.
Ngoài ra, hai nhóm sản phẩm khác từ Việt Nam cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu đáng kể vào Singapore gồm động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (5,6 triệu SGD, chiếm 8,3% thị phần) và động vật thân mềm đã/chưa qua chế biến (4,9 triệu SGD, chiếm 16,5% thị phần).
Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Singapore khá đồng đều giữa các nhóm chính, bao gồm cá tươi/ướp lạnh (trừ philê cá), cá cấp đông, philê cá và động vật giáp xác, với giá trị nhập khẩu trung bình mỗi nhóm đều trên 50 triệu SGD trong quý I/2025.
Trong các nhóm này, chỉ có nhóm cá cấp đông (trừ philê cá) ghi nhận mức tăng trưởng dương 21,4% so với cùng kỳ, trong khi các nhóm còn lại bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại hoặc giảm nhẹ, phản ánh xu hướng bão hòa của thị trường nội địa.
Ngoài bốn nhóm chủ lực, Singapore cũng nhập khẩu các nhóm cá sống, cá đã qua chế biến, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống. Tuy nhiên, một số nhóm như động vật thủy sinh không xương sống đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh, với mức giảm tới 15,6% về giá trị nhập khẩu so với quý I/2024.
![]() |
Việt Nam hiện dẫn đầu về thị phần đối với nhóm sản phẩm philê cá và thịt cá ướp lạnh hoặc cấp đông tại Singapore. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh như Malaysia, Indonesia và Na Uy tiếp tục duy trì vị thế vững chắc tại Singapore, đặc biệt với các sản phẩm động vật giáp xác và cá tươi/ướp lạnh. Ngoài ra, thủy sản từ Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang gia tăng sự hiện diện, tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tìm kiếm thị trường thay thế trong bối cảnh thị trường Mỹ gặp khó do rào cản thuế quan, Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thống nhất đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại Singapore. Các chương trình kết nối giao thương, tham gia hội chợ thủy sản, và chiến dịch nâng cao hình ảnh sản phẩm Việt sẽ được tăng cường trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Thương vụ, quy mô thị trường thủy sản nhập khẩu tại Singapore dự báo sẽ tiếp tục duy trì ổn định. Với lợi thế hiện có trong nhóm philê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội gia tăng thị phần nếu kiểm soát tốt chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm và kịp thời thích ứng với các quy định của sở tại.
Tuy nhiên, đối với các nhóm sản phẩm như động vật giáp xác và động vật thân mềm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt không chỉ với Malaysia và Indonesia mà còn với các nguồn cung mạnh từ Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần chú trọng kiểm soát chất lượng đồng đều, cập nhật tiêu chuẩn thị trường, và đầu tư mạnh vào xây dựng thương hiệu riêng tại thị trường Singapore.
Ông Trump ký loạt sắc lệnh về thủy sản, tham vọng 'nước Mỹ trên hết'
Doanh nghiệp thủy sản 2.400 nhân sự báo lãi quý I/2025 gấp 7 lần: Thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản