Tháng 9/2022, trong khi thị trường phái sinh ghi nhận trung bình đạt 31.143 tỷ đồng giá trị giao dịch/phiên thì chứng khoán cơ sở lại chứng kiến sự teo tóp thanh khoản nghiêm trọng.
Thị trường phái sinh tiếp tục "đắt khách"
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có báo cáo tổng hợp về thị trường chứng khoán phái sinh trong tháng 9/2022 với một số điểm nhấn đáng chú ý.
Theo báo cáo, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh trong tháng 9/2022 đã tăng trở lại sau khi giảm mạnh trong tháng 8 đồng thời cũng vượt qua mức giao dịch của tháng 7.
Chỉ số VN30 giảm 11,48% so với tháng 8/2022 về mức 1.152,01 điểm.
Về giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai VN30, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng VN30 đạt 253.723 hợp đồng/phiên - tăng 29,47% so với tháng trước; giá trị giao dịch bình quân (theo danh nghĩa hợp đồng) đạt 31.143 tỷ đồng - tăng 24,5% so với tháng trước trong đó phiên ngày 28/9 có khối lượng giao dịch lớn nhất trong tháng với 351.080 hợp đồng.
Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng khối lượng giao dịch thị trường phái sinh đạt 39.620.541 hợp đồng; tổng giá trị giao dịch đạt 5,27 triệu tỷ đồng; khối lượng giao dịch bình quân/phiên sau 9 tháng đạt 215.329 hợp đồng/phiên - tương ứng giá trị bình quân/phiên đạt 28.6400 tỷ đồng - lần lượt tăng 14% và 9,62% về so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 9/2022, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm so với tháng 8/2022 - chiếm 1,66% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị | Tháng 8.2022 | Tháng 9.2022 | Tăng/giảm (%) |
1 | Khối lượng giao dịch bình quân phiên | hợp đồng | 195.967 | 253.723 | 29,47% |
2 | Khối lượng OI (cuối kỳ) | hợp đồng | 42.241 | 49.476 | 17,13% |
Tổng hợp giao dịch HĐTL chỉ số VN30 tháng 9/2022
Khối lượng mở (OI) hợp đồng tương lai VN30 tăng 17,13% so với tháng trước đạt 49.476 hợp đồng tại phiên giao dịch cuối tháng 9/2022. Trong đó, phiên giao dịch ngày 27/9/2022 có OI cao nhất tháng đạt 57.325 hợp đồng.
Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm có tổng KLGD 10.330 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch theo danh nghĩa 10.988 tỷ đồng, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm không có giao dịch. Khối lượng OI hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ tại thời điểm cuối tháng 9/2022 là 0 hợp đồng.
Các giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ trong tháng 9 đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức trong đó tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm 50%.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh trong tháng 9 tiếp tục tăng lên và đạt lũy kế 1.101.704 tài khoản - tăng 1,88% so với tháng 8/2022.
Chứng khoán cơ sở èo uột vì đói tiền lớn
Trong khi đó, trên thị trường cơ sở, tháng 9/2022 bất ngờ trở thành ác mộng với hàng vạn chứng sĩ trên thị trường chứng khoán. Đà giảm điểm của VN-Index đã lấy đi 600.000 - 700.000 tỷ đồng vốn liếng của nhà đầu tư.
Tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thông tin như Mỹ tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc cũng như các ngân hàng nước này đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm.
Cụ thể, VN-Index mất 157 điểm trong tháng 9 và lùi về mức 1.132,11 điểm. Chỉ số đồng thời bị đẩy xuống dưới mức đáy gần nhất hồi tháng 7/2022.
Bất chấp những kỳ vọng về việc áp dụng giao dịch lô lẻ trên HOSE từ 12/9 cũng như giải pháp giao dịch T+2 từ ngày 29/8/2022, thanh khoản thị trường trong tháng 9 tiếp tục hạ nhiệt so với tháng trước đó.
Cụ thể, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên sàn HOSE chỉ chưa đến 11.800 tỷ đồng - giảm 16% so với tháng trước và là mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021 (chỉ sau tháng 7/2022). Thậm chí nhiều phiên giao dịch giá trị khớp lệnh trên HOSE chưa đến 10.000 tỷ đồng.
Sự lao dốc của thanh khoản khiến hàng loạt cổ phiếu trụ cột không thể hồi mạnh dẫn đến thị trường thiếu vắng nghiêm trọng các nhóm dẫn dắt đủ lớn.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo hai cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết 
Phát triển thị trường trái phiếu riêng lẻ: cần minh bạch, lành mạnh từ “móng”