Tiến sĩ 9x người Việt được Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ vinh danh: Đặc cách học thẳng lên Tiến sĩ, 3 lần gặp cựu Tổng thống Obama
Gần 4 năm qua, Tiến sĩ trẻ này đã cùng các cộng sự tập trung nghiên cứu về cơ chế tế bào ung thư di căn và cách chúng trốn tránh hệ miễn dịch.
Thành tích học tập "cực khủng"
Tiến sĩ Nguyễn Chí Long (sinh năm 1991) là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế . Tên tuổi của anh đã được biết đến từ thời trung học, khi tham gia và đạt nhiều giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi. Trong số đó, anh đã giành Huy chương Vàng  Olympic Hóa học 30-4, Giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học, Giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn máy tính bỏ túi, Giải thưởng học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, nhiều lần nhận học bổng Odon Vallet...
Sau khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Chí Long trở thành Á khoa chuyên ngành Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế với số điểm 28. Năm 2015, anh đã xuất sắc tốt nghiệp Thủ khoa chuyên ngành này.
Trong suốt 6 năm học đại học, Chí Long luôn giữ vị trí sinh viên giỏi và xuất sắc của trường. Không chỉ đạt thành tích học tập nổi bật, anh còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa và giao lưu quốc tế.
Với thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động rèn luyện, anh đã được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng giải thưởng "Sao tháng Giêng" và danh hiệu "Sinh viên 5 tốt", đồng thời là 1 trong 10 sinh viên tiêu biểu được Chủ tịch nước  vinh danh.
Chí Long thường xuyên được chọn làm đại diện tham gia các chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế như Jenesys, Japan - ASEAN Student Conference (Jenesys 2.0), ASEAN Youth Leader Summit 2014, Global Youth Startup 2015 và nhiều chương trình khác.
Cuối năm 2014, Chí Long là một trong hai đại diện của Việt Nam tham gia chương trình "Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á" (YSEALI) tại Myanmar, do Tổng thống Mỹ  lúc đó - ông Barack Obama, phát động nhằm tăng cường khả năng lãnh đạo và kết nối trong khu vực ASEAN. Tại chương trình này, Chí Long vinh dự hai lần được bắt tay và trao đổi với cựu Tổng thống Mỹ, cùng các đại diện thanh niên tiêu biểu đến từ 10 nước Đông Nam Á.
Tháng 11/2015, Chí Long tiếp tục tham dự Hội nghị thượng đỉnh YSEALI và buổi gặp gỡ Town Hall cùng ông Barack Obama.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Chí Long đã giành được Học bổng Tiến sĩ toàn phần của Chính phủ Nhật Bản tại Đại học Y Tohoku, một trong những trường đại học danh tiếng nhất về ngành Y tại Nhật Bản. Tháng 10/2015, anh sang Nhật theo học chương trình Tiến sĩ mà không cần trải qua giai đoạn Thạc sĩ.
Sau này, Tiến sĩ Nguyễn Chí Long còn có cơ hội sang Mỹ học tập và nghiên cứu. Anh dành nhiều thời gian tìm hiểu về bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú bộ ba âm tính - một loại ung thư vú ác tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ.
Khát khao giải mã căn bệnh ung thư
Gần 4 năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Chí Long cùng các cộng sự đã tập trung nghiên cứu về cơ chế di căn của tế bào ung thư  và cách chúng tránh né hệ miễn dịch. Anh chia sẻ, khi tế bào ung thư nhân đôi mất kiểm soát, chúng trở nên "stress" do thiếu hụt nguồn dinh dưỡng và oxy. Lúc này, chúng kích hoạt nhiều cơ chế để tồn tại, "trốn tránh" hệ miễn dịch và di chuyển đến các vị trí khác trong cơ thể. Hiện nay, một số phương pháp điều trị ung thư  đã được phát triển dựa trên những cơ chế này.
Nghiên cứu của anh tập trung vào các cơ chế tương tự, đặc biệt chuyên sâu về ung thư vú bộ ba âm tính, hay còn gọi là ung thư vú tam âm. Đây là loại ung thư vú không có biểu hiện thụ thể hormone, chiếm 10-15% trong tổng số các ca ung thư vú . Ung thư vú bộ ba âm tính phát triển nhanh và tỷ lệ tái phát cao hơn so với các loại ung thư vú khác. Do thiếu thụ thể hormone, bệnh nhân mắc loại ung thư này có rất ít lựa chọn điều trị.
Việc hiểu rõ các cơ chế thúc đẩy sự phát triển và di căn của ung thư vú bộ ba âm tính sẽ tạo nền tảng để phát triển các phương pháp điều trị mới cho căn bệnh này. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như công nghệ giải trình tự tế bào đơn, giải trình tự không gian, chỉnh sửa gene bằng công nghệ Crispr-Cas... để tìm hiểu về các cơ chế của khối u, bao gồm cả cơ chế kháng điều trị. Hiện nhóm đã có những khám phá quan trọng và đang trong quá trình hoàn thiện để công bố.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Long cho rằng nghiên cứu ung thư chỉ mới bắt đầu, bởi tính không đồng nhất của tế bào ung thư khiến cho việc tìm kiếm phương pháp hiệu quả là rất khó khăn. Một cơ chế có thể kiểm soát tốt một khối u hoặc một tế bào nhưng lại không hiệu quả đối với khối u hoặc tế bào khác.
Với những đóng góp trong nghiên cứu về ung thư, anh đã được Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AACR) vinh danh là Học giả Đào tạo tại cuộc họp thường niên AACR năm 2023 ở Orlando, Florida. Cùng năm, anh cũng là một trong số ít nhà khoa học trẻ từ 100 quốc gia được chọn để trình bày công trình nghiên cứu của mình tại Hội nghị khoa học thường niên giữa các nhà khoa học đoạt giải Nobel tại Lindau, Đức. Tại đây, Tiến sĩ Long đã chia sẻ nghiên cứu của mình trước hơn 40 nhà khoa học từng đạt giải Nobel.
Hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Chí Long mong muốn trở thành một Giáo sư nghiên cứu chuyên sâu về ung thư, đặc biệt tập trung vào cơ chế di căn - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của căn bệnh quái ác này.
8 dấu hiệu của người có thể đã mắc ung thư 
3 thay đổi ở tay chân có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư