Tiết lộ bất ngờ về doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát 1,2 tỷ đấu lên 370 tỷ
Công ty đấu giá mỏ cát gấp 300 lần khởi điểm tại tỉnh Quảng Nam, đã mạnh dạn chốt và trúng giá 370 tỷ đồng dù doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 100 tỷ đồng. Tổng giám đốc là ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến sinh năm 2000.
Ngày 21/10, Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc mỏ cát  giá khởi điểm 1,2 tỷ nhưng được doanh nghiệp đấu giá chốt 370 tỷ đồng tại thị xã Điện Bàn.
Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty cổ phần MT Quảng Đà (trụ sở chính tại đường Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).
Theo hồ sơ doanh nghiệp, Công ty cổ phần MT Quảng Đà được thành lập tháng 5/2022, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến (SN 2000, ngụ thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), chức danh tổng giám đốc.
Công ty này đăng ký 41 mã ngành, nghề kinh doanh; trong đó ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày, chi tiết kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ kinh doanh nhà trọ.
Tháng 2/2023, Công ty cổ phần MT Quảng Đà thay đổi đăng ký kinh doanh và bổ sung thêm loạt ngành nghề, trong đó có khai thác đá, cát, sỏi.
Công ty cổ phần MT Quảng Đà có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, các cổ đông gồm Lê Nguyễn Đông Quân góp 2 tỷ đồng (tỷ lệ 2%); Nguyễn Sỹ Minh Tiến góp 68 tỷ đồng (tỷ lệ 68%) và Võ Thị Hồng Nhung góp 30 tỷ đồng (tỷ lệ 30%).
Đáng chú ý, trong số 6 công ty tham gia bỏ thầu đối với mỏ cát ĐB2B nổi lên Công ty CP Nông Sơn Farm có cùng cơ cấu thành viên góp vốn với Công ty cổ phần MT Quảng Đà.
Doanh nghiệp này thành lập tháng 8/2022, trụ sở tại huyện Nông Sơn, Quảng Nam, có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Ngành nghề chính là chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn.
Cơ cấu cổ đông của Công ty Nông Sơn FARM gồm bà Võ Thị Hồng Nhung giữ 59% tỷ lệ sở hữu; ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến giữ 40,9%; 0,1% còn lại thuộc về cổ đông Lê Nguyễn Đông Quân.
Công ty cổ phần MT Quảng Đà và Công ty CP Nông Sơn Farm cùng đăng ký một số điện thoại di động.
Dấu hiệu bất thường
Khi kết quả đấu giá mỏ cát được công bố, một doanh nghiệp chuyên mua bán cát tại thị xã Điện Bàn cho hay, hiện mức giá cát theo UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3. Giá cát tại bến từ 150.000 đến 180.000 đồng/m3.
Trong khi đó, mỏ cát ĐB2B có diện tích6,04ha, với trữ lượng 159.000m3, giá khởi điểm 1,2 tỷ đồng, tiền đặt cọc hơn 242 triệu đồng.
Do đó, kết quả đấu giá mỏ cát này cũng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và đặt ra câu hỏi về khả năng sinh lời của doanh nghiệp, cũng như tác động của mức giá này đến thị trường cát.
Theo ông Nguyễn Thanh Vỹ - Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn, giá mà công ty trúng đấu giá là quá cao. Giá cát sau khi đấu có giá hơn 2,3 triệu đồng/m3, nếu tính thuế, phí các loại, giá 1m3 cát sẽ đội lên gần 3 triệu đồng, điều này là phi thực tế so với giá thị trường hiện nay.
Trước đó, ngày 27/6, UBND tỉnh Quảng Nam cũng phê duyệt kết quả xác định tiền trúng đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản cát, sỏi, cuội làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Thanh Trước (xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My).
Một công ty tại phường Tân Thạnh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã trúng đấu giá quyền khai thác mỏ BTM8-ĐC có tổng diện tích khoảng6,63ha, với giá chỉ hơn 1,375 tỷ đồng.
Trữ lượng của mỏ khoáng sản này là 142.456m3, trong đó có 131.961m3 cát, 7.854 m3 sỏi và 2.641m3 cuội.
Liên quan đến vụ việc này, Sở TN&MT Quảng Nam cho rằng, kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ BĐ2B có yếu tố bất thường. Mức giá trả cao gấp rất nhiều lần so với giá khởi điểm và giá vật liệu xây dựng được cơ quan chức năng công bố.
Mức giá cuối cùng cũng cho thấy có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi, đẩy giá vật liệu cát xây dựng lên cao, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.
Chiều 19/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng công nhận kết quả vụ đấu giá mỏ cát trên, đồng thời giao công an tỉnh điều tra, xác minh, làm rõ động cơ của việc trả giá cao bất thường. Nếu phát hiện có vi phạm thì xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.
Chia sẻ với báo chí, một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam - nhận định, vụ đấu giá này có dấu hiệu "không trong sáng", kiểu không đấu được thì phá hỏng, khiến việc đấu giá thất bại, tốn kém kinh phí tổ chức và ảnh hưởng đến kết quả cũng như người tham gia đấu giá.
Công an tỉnh đã yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan buổi đấu giá.
>> Vụ đấu giá mỏ cát từ 1,2 tỉ lên 370 tỉ ở Quảng Nam: Có dấu hiệu không trong sáng