Theo Mirae Asset, các cổ phiếu nhóm ngân hàng đang tiếp cận ngưỡng P/B trung bình 5 năm, thể hiện triển vọng phục hồi trong năm 2024.
Sắc đỏ bao trùm nhóm ngân hàng
Sau phiên 13/3 tăng mạnh 25,51 điểm, kết phiên 14/3, VN-Index giảm 6,25 điểm, xuống dưới mốc 1.265 điểm. Thanh khoản có sự cải thiện, với hơn 1 tỷ cổ phiếu khớp lệnh, giá trị giao dịch gần 28.000 tỷ đồng.
Khối ngoại bán mạnh trong phiên 14/3, với giá trị bán ròng lên đến 911 tỷ đồng với hơn 25 triệu cổ phiếu được sang tay. Tính trong phạm vi 10 phiên, đây là phiên khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên sàn HoSE. Trong đó, tiêu điểm bán ròng nằm ở VHM, VNM, FRT, SBT.
Áp lực lên chỉ số VN-Index chủ yếu nằm ở nhóm ngân hàng. Trong đó, trụ cột lớn của VN-Index là VCB , BID  và CTG  dẫn đầu nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số trong phiên hôm nay. "Hợp lực" cùng TCB , MBB , VPB , 6 mã này kéo giảm hơn 5 điểm chỉ số.
Nhóm ngân hàng gây áp lực đến chỉ số VN-Index trong phiên hôm nay |
Nhìn chung, thị giá toàn ngành ngân hàng giảm 1,31%, với thanh khoản đạt 3.404 tỷ đồng, đứng sau nhóm bất động sản (hút 5.422 tỷ đồng) và chứng khoán (hút 5.070 tỷ đồng).
Trái ngược với phiên 13/3 không có lấy một sắc đỏ, phiên 14/3, độ rộng nhóm ngân hàng ghi nhận 18 mã giảm giá và chỉ có 3 mã tăng giá.
3 mã duy nhất giữ được sắc xanh đều là cổ phiếu có vốn hoá nhỏ, bao gồm: SGB  (+1,45%), ABB  (+1,23%), PGB  (+1,03%). Tổng dòng tiền phân bổ vào 3 mã này chỉ vỏn vẹn 8,3 tỷ đồng, quá nhỏ so với hơn 3.000 tỷ đồng được phân bổ vào nhóm giảm giá.
Ở chiều ngược lại, việc CTG  (-1,99%) và BID  (-1,71%) giảm mạnh nhất ngành đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN-Index. Theo sau 2 mã này, hàng loạt cổ phiếu có vốn hoá lớn và vừa là MBB  (-1,68%), MSB  (-1,67%), OCB  (-1,67%), VIB  (-1,59%) đã gây áp lực không nhỏ đến thị trường.
>> Chi phí dự phòng cản bước lợi nhuận, nợ xấu ngân hàng tăng 41% so với đầu năm 
Tín dụng giảm tốc
Sáng 14/3, Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến ngày 29/2, tín dụng toàn nền kinh tế lại giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Dù vậy, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Chỉ có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023 và lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
>> Tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp 
Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại Hội nghị ngày 14/3 |
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thời vụ, đáng chú ý vẫn là yếu tố cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp.
"Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, chính sách tồn kho của nhà nhập khẩu thay đổi, dẫn tới nhu cầu vay vốn thực hiện các đơn hàng xuất khẩu giảm. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm và giảm nhu cầu vay chi tiêu", Phó Thống đốc cho hay.
>> Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu 5 lý do khiến tăng trưởng tín dụng giảm 2 tháng đầu năm 
Cổ phiếu ngân hàng liệu còn hấp dẫn?
Mới đây, theo báo cáo ngành Ngân hàng của CTCK Mirae Asset, diễn biến thị giá đang phần nào phản ánh kỳ vọng của thị trường vào triển vọng ổn định của nền kinh tế Việt Nam và ngành ngân hàng trong năm 2024. Vì tỷ trọng của nhóm ngân hàng trên VN-Index là tương đối lớn, nên nhóm này đã đóng góp đáng kể cho chỉ số phục hồi.
>> Các cổ phiếu ngân hàng đã vượt mức đỉnh lịch sử còn tiềm năng tăng giá? 
Về cơ bản, các sự kiện khiến giới đầu tư lo ngại như rút tiền hàng loạt hay khủng hoảng thanh khoản vẫn chưa xảy ra hoặc được kiểm soát nhờ sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý qua việc ban hành những nghị định và thông tư. Các chính sách này được kỳ vọng gia hạn hiệu lực trong năm 2024, tăng cường đà phục hồi kinh tế.
>> 'Điểm danh' cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất từ đầu năm, có mã tăng đến 31% 
Biểu đồ thị giá các nhóm ngân hàng so với VN-Index (PJCB: ngân hàng tư nhân, SOCB: ngân hàng quốc doanh) |
So sánh diễn biến thị giá giữa các nhóm ngân hàng cho thấy phần đông ưa chuộng nhóm ngân hàng quốc doanh. Trong khi giai đoạn giữa năm 2023, các ngân hàng tư nhân được ưa chuộng hơn nhờ thị giá đã điều chỉnh sâu, tiềm năng tăng trưởng cao và các sự kiện xấu không xảy ra.
Về rủi ro, theo Mirae Asset, rủi ro hệ thống vẫn tồn tại. Ngoài các rủi ro hiện hữu như chất lượng tài sản nội bảng suy giảm, áp lực dự phòng cao cũng khiến nhiều ngân hàng phải đưa nợ xấu ra ngoại bảng theo dõi.
Ngoài ra, hiện tượng ngân hàng ghi nhận lỗ cũng đã xuất hiện trở lại sau một thời gian dài, trong khi các vấn đề tại SCB hay trái phiếu được ân hạn vẫn chưa xử lý triệt để trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng với các rủi ro trong cả ngắn và trung hạn.
Trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng diễn biến giá sẽ tùy thuộc nhiều vào dòng tiền hơn là các yếu tố cơ bản. Hơn nữa, các cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tăng mạnh từ tháng 11/2023 và đang tiếp cận ngưỡng P/B trung bình 5 năm, hay một vài ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử, thể hiện tâm lý lạc quan về triển vọng phục hồi của ngành ngân hàng trong năm 2024.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng sẽ không có quá nhiều cơ hội đầu tư ngắn hạn đối với nhóm ngành này. Ngược lại, đối với chiến lược đầu tư dài hạn, chuyên gia nhận thấy cơ hội đầu tư tại các cổ phiếu có những yếu tố như định giá chưa quá cao, chất lượng tài sản ổn định và tiềm năng tăng trưởng, như CTG , TCB , MBB  hay ACB .
>> Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 23%