'Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp', đại biểu chọn mức nào cho ai?
Với 3 mức "tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp", để chọn mức nào, dành cho ai đòi hỏi bản lĩnh, sự công tâm, khách quan của từng đại biểu.
Sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố ngay trong buổi chiều.
Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Trước đây, việc đánh giá, lấy kết quả tín nhiệm với mục đích tham khảo, tham mưu là chính. Thêm vào đó, công tác cán bộ nói chung, đánh giá và lấy lấy phiếu tín nhiệm nói riêng cũng chưa tạo ra sự thống nhất, đồng bộ ở các nhánh quyền lực dẫn tới việc thực hiện công tác này chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả.
Lần này, ngay trong ngày đầu tiên khai mạc Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu yêu cầu các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò quan trọng về lá phiếu trên tay của mình đối với việc lấy phiếu tín nhiệm.
Với 3 mức "tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp", để chọn mức nào, dành cho ai đòi hỏi bản lĩnh, sự công tâm, khách quan của từng đại biểu.
Điều đó cho thấy quyền lực của nhân dân thông qua các đại diện của mình là đại biểu Quốc hội đã biểu lộ thêm giá trị và hiệu lực lớn lao. Đại biểu Quốc hội bằng sự khách quan, công tâm của mình sẽ nhận xét, đánh giá về năng lực, uy tín, đạo đức của 44 cán bộ, lãnh đạo đang nắm giữ các vị trí, chức danh chủ chốt được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Quyết định của người đại biểu có ý nghĩa chính trị đối với các cán bộ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm lần này, vừa là dịp để cán bộ xem xét, nhìn nhận lại mình, vừa là để cán bộ có động lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Chủ trương về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước được Đảng quán triệt từ lâu, trải qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội cũng như các khóa Quốc hội trước đây.
Tuy nhiên, lần này, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn dựa trên các tiêu chí với nhiều nội dung bao quát, sâu rộng hơn. Ngoài vấn đề liên quan đến phẩm chất, đạo đức, năng lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị thì cũng mở rộng các tiêu chí về kê khai tài sản của cán bộ, việc nêu gương đối với người thân.
Đáng chú ý là kết quả Nghị quyết lần này về công tác lấy phiếu tín nhiệm không chỉ giới hạn ở mức độ tham khảo về 44 người đang giữ các vị trí, chức danh chủ chốt trong bộ máy Nhà nước mà còn là dữ liệu quan trọng để Đảng ta tiến hành công tác cán bộ trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, nổi bật hơn cả là thông qua vấn đề này, một số chức danh có tín nhiệm thấp sẽ là căn cứ để các cấp có thẩm quyền tiến hành cụ thể hóa các quy định về miễn nhiệm, từ chức, bố trí cán bộ. Công tác “bỏ phiếu tín nhiệm” được tiến hành sau một bước nếu trường hợp nào vượt mức “báo động đỏ” về tín nhiệm thấp.
Như vậy, các quan điểm, chủ trương và nhiều quy định về công tác cán bộ mà Đảng ta đã đề ra, ban hành trong thực tiễn sẽ được tiến hành đồng bộ, cụ thể hóa trong các hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Ngoài ra, còn nhận thức rõ được những khó khăn, vướng mắc của thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước mà chủ thể là cá nhân các cán bộ chủ chốt, các chính trị gia và các vị trưởng ngành.
Với mục đích để đội ngũ cán bộ luôn có tính tiên phong, tiên tiến và đi đầu trong thực hiện lãnh đạo, quản lý cũng như động viên những cá nhân đang làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Lấy phiếu tín nhiệm đồng thời giúp cán bộ luôn cảnh giác trước các yếu tố tiêu cực, giữ vững phẩm chất trong quá trình tham chính.
Việc thực hiện tốt công tác lấy phiếu tín nhiệm ngày càng thể hiện tính chất ưu việt và những cố gắng, nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước ta trong công tác cán bộ nói chung và vấn đề thực hiện quyền làm chủ thực chất của nhân dân nói riêng.
Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đạt 100% tín nhiệm cao 
Lấy phiếu tín nhiệm 28 chức danh do Hội đồng nhân dân Hà Nội bầu