Tỉnh có diện tích nhỏ thứ 2 Việt Nam, 4 lần 'tách ra - nhập vào', 2 lần được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh
Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê du lịch tâm linh, văn hóa và ẩm thực, nhờ vào sự phong phú của các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên và các làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Với diện tích chỉ 860,90km2, Hà Nam là tỉnh nhỏ thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Bắc Ninh với diện tích 822,70km2. Dù có diện tích khiêm tốn, Hà Nam lại sở hữu một vị trí địa lý vô cùng quan trọng, nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 50km và được coi là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.
Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai đam mê du lịch tâm linh, văn hóa và ẩm thực, nhờ vào sự phong phú của các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên và các làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Nhiều lần chia tách, sáp nhập trong lịch sử
Cho đến ngày nay, người ta vẫn thường gọi ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định là "Hà Nam Ninh", bởi đây chính là những tỉnh được tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ.

Tỉnh Ninh Bình chính thức được ghi tên trên bản đồ Việt Nam vào năm 1831, khi trấn Ninh Bình được đổi thành tỉnh. Từ thế kỷ X, Ninh Bình là kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt, đánh dấu vai trò quan trọng trong lịch sử đất nước.
Vào năm 1890, phủ Lý Nhân được đổi tên thành tỉnh Hà Nam. Trước đó, phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội, được thành lập dưới triều đại vua Minh Mạng của nhà Nguyễn.
Nam Định ra đời vào năm 1822, khi trấn Sơn Nam Hạ được đổi tên thành trấn Nam Định. Đến năm 1832, vua Minh Mệnh thực hiện cuộc cải cách hành chính, chia Bắc Kỳ thành các tỉnh, trong đó có Nam Định và từ đó tỉnh này được hình thành với diện mạo như ngày nay.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định đều thuộc Bắc Kỳ và chịu sự quản lý của chính quyền thực dân Đông Dương. Sau Cách mạng tháng 8/1945, 3 tỉnh này trở thành một phần của miền Bắc Việt Nam.
Năm 1965, trong bối cảnh chiến tranh và cuộc ném bom miền Bắc của Đế quốc Mỹ, để tăng cường công tác lãnh đạo và chỉ đạo, Chính phủ quyết định hợp nhất một số tỉnh. Tỉnh Nam Hà ra đời vào ngày 21/4/1965 theo Quyết định số 103-TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định.
Vào ngày 27/12/1971, Quốc hội quyết định tiếp tục thay đổi hành chính và hợp nhất tỉnh Nam Hà với Ninh Bình để tạo thành tỉnh Hà Nam Ninh. Tỉnh Hà Nam Ninh lúc này bao gồm toàn bộ diện tích các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.

Khi mới thành lập, tỉnh Hà Nam Ninh có thành phố Nam Định, 3 thị xã là Hà Nam, Ninh Bình, Tam Điệp và 16 huyện là Bình Lục, Duy Tiên, Gia Viễn, Hải Hậu, Hoa Lư, Hoàng Long, Kim Bảng, Kim Sơn, Lý Nhân, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Tam Điệp, Thanh Liêm, Vụ Bản, Xuân Thủy và Ý Yên. Khu vực này sở hữu nền văn hóa lâu đời, từng là nơi giao thoa giữa các vùng văn hóa đặc trưng của các khu vực như xứ Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, xứ Thanh và xứ Nghệ.
Ngày 26/12/1991, Quốc hội quyết định chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Đến ngày 6/11/1996, tỉnh Nam Hà lại tiếp tục tách thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Từ đó, 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình tồn tại cho đến nay, trải qua 4 lần tách và sáp nhập  trong hơn 30 năm.
Mặc dù đã được chia tách và có sự phân chia rõ ràng bởi các con sông, 3 tỉnh này vẫn giữ được nhiều nét văn hóa tương đồng. Những di tích lịch sử chung từ thời Đinh - Tiền Lê và Trần cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian như hát chèo, hát chầu văn và hát xẩm, vẫn là những đặc trưng văn hóa nổi bật của cả 3 tỉnh.
Một điểm đặc biệt giữa 3 tỉnh là nơi mà một tiếng gà gáy có thể nghe thấy đồng thời ở cả 3 địa phương: xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), xã Yên Phương (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) và xã Gia Xuân (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Đây chính là điểm giao thoa giữa ba tỉnh, được chia cách bởi hai con sông là sông Đáy (phân chia Hà Nam với Ninh Bình và Ninh Bình với Nam Định) và sông Sắt (phân chia Hà Nam với Nam Định).
Vào năm 2024, tổng thu ngân sách của Ninh Bình đạt 21.000 tỷ đồng, Hà Nam là 17.000 tỷ đồng và hơn 14.000 tỷ đồng cho Nam Định, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương này trong thời gian gần đây.
Được World Travel Awards gọi tên 2 lần trong 1 năm
Hà Nam - tỉnh miền Bắc Việt Nam, đang nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh  và văn hóa. Vào năm 2024, tỉnh này đã vinh dự nhận 2 giải thưởng  quan trọng từ World Travel Awards, bao gồm "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" và "Giải thưởng thành tựu đặc biệt". Đây là sự khẳng định mạnh mẽ vị thế của Hà Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.


Một trong những điểm đến nổi bật nhất tại Hà Nam là Khu du lịch Tam Chúc, tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, cách Hà Nội chỉ 60km và thành phố Phủ Lý khoảng 12km. Tam Chúc là vùng đất của những dãy núi đá vôi trầm mặc kết hợp hài hòa với hồ nước rộng lớn, tạo nên một phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Khi nhìn từ trên cao, khu vực này giống như một bức tranh thủy mặc, với những dãy núi xanh ngắt và hồ nước phẳng lặng, thu hút du khách bởi vẻ đẹp yên bình và huyền bí.
Trái tim của khu du lịch này chính là chùa Tam Chúc, một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương, chiêm bái mỗi năm. Chùa nằm trên khuôn viên rộng lớn gần 5.000ha, trong đó có khoảng 1.000ha mặt nước, 3.000ha núi đá, rừng tự nhiên và các thung lũng trữ tình. Các phía của khu vực này đều được bao quanh bởi núi non, với hồ Tam Chúc rộng lớn ở phía trước cùng những ngọn núi nhỏ nhấp nhô trên mặt nước tạo nên cảnh sắc trang nghiêm, tĩnh lặng.


Ngoài chùa Tam Chúc, khu du lịch này còn sở hữu nhiều công trình nổi bật mang đậm giá trị văn hóa và tâm linh như cổng Tam Quan, vườn Cột Kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ và điện Tam Thế. Mỗi công trình đều mang một ý nghĩa riêng, là nơi các tín đồ Phật giáo và du khách tìm về sự bình yên trong tâm hồn.
Bên cạnh đó, khi nói đến Hà Nam, chúng ta không thể không nhắc đến dòng sông Đáy, nơi có danh thắng Kẽm Trống, được công nhận là Di tích Quốc gia từ năm 1962. Kẽm Trống nổi bật với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, nơi dòng sông uốn lượn qua 2 dãy núi, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng, huyền bí. Kẽm Trống còn nổi tiếng với các địa danh kỳ thú như núi Bồng, núi Vọng, núi Rồng ở bờ phải và núi Rùa, núi Cổ Động, núi Trinh Tiết ở bờ trái. Đặc biệt, trên đỉnh núi Trinh Tiết có một ngôi chùa cổ, được người dân địa phương coi là nơi hội tụ linh khí của đất trời, mang lại sự thanh tịnh và bình an cho những ai ghé thăm.


Với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cùng các công trình tâm linh hoành tráng, Hà Nam đang dần khẳng định mình là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích khám phá và tìm hiểu văn hóa. Trong năm 2024, tổng thu từ khách du lịch của Hà Nam ước đạt hơn 3.600 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch năm và tăng trưởng 8,1% so với năm 2023, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch tại tỉnh này.
* Tổng hợp