Tỉnh có diện tích rừng lớn nhất Việt Nam bị sâu róm tàn phá 750ha rừng
Tỉnh này có diện tích rừng lên đến 1.018.788ha.
Theo Quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng của Việt Nam đạt 14.860.309ha, bao gồm 10.129.751ha rừng tự nhiên và 4.730.557ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.
Trong số các vùng sinh thái, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích rừng lớn nhất với 5.621.185ha, tỷ lệ che phủ rừng cũng cao nhất, đạt 54,23%.
Xét về tỉnh, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng  lớn nhất cả nước với 1.018.788ha. Độ che phủ rừng tại đây đạt gần 60%.
Rừng ở Nghệ An có nhiều đặc điểm tiêu biểu của thảm thực vật rừng Việt Nam. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành khai thác và phát triển các ngành công nghiệp địa phương. Tổng trữ lượng gỗ hiện còn khoảng 52 triệum³, trong đó có tới 425.000m³ gỗ Pơmu. Lượng tre, nứa, mét ước tính khoảng hơn 1 tỷ cây.
Đặc biệt, rừng ở Nghệ An còn được UNESCO  công nhận và xếp hạng là Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, bao gồm Vườn Quốc gia Pù Mát với diện tích 93.523ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống với diện tích 41.127ha, và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với diện tích hơn 34.723ha. Khu vực này có hệ động thực vật đa dạng, quý hiếm và có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Gần đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc thông báo về dịch sâu róm xuất hiện tại cánh rừng thông trên địa bàn từ giữa tháng 7, gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái  nơi đây. Vòng đời của sâu róm khoảng 50 ngày, hiện đã đến thế hệ thứ ba.
Hiện tại, 300ha rừng thông ở các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) đã bị sâu ăn trụi lá, với mật độ khoảng 350-400 con một cây. 450ha rừng thông rải rác trên 17 xã khác trong vùng cũng bị sâu tấn công.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc cho rằng tình trạng thời tiết với nhiều sương mù, nắng mưa thất thường và độ ẩm cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu róm sinh trưởng và tàn phá rừng thông. Nếu không được kiểm soát kịp thời, sâu róm có thể gây chết cây thông. Để ứng phó, Ban Quản lý đã phun thuốc trên diện tích 142ha rừng và đang chuẩn bị đèn và các vật dụng khác để bẫy sâu trưởng thành nở ra bướm.