Tỉnh có đường bờ biển đẹp nhất nhì Việt Nam hội tụ tiềm năng để 'cất cánh' thành trung tâm kinh tế biển
Tỉnh này nhờ sở hữu những lợi thế về hạ tầng, điều kiện tự nhiên, có nhiều điều kiện để thực hiện mục tiêu "cất cánh" trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước trong tương lai.
Bình Định là tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ, được xác định là 1 trong số 5 tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, sở hữu vị trí chiến lược quan trọng ở trung tâm trục Bắc - Nam.
Với vị trí địa lý đặc biệt, Bình Định là "cửa ngõ" ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển.
Theo đó, phạm vi và ranh giới quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bình Định và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Bình Định sở hữu đa dạng các loại địa hình như: Đồi, núi, cao nguyên, vùng đồi, vùng đồng bằng, ven biển...
Tỉnh Bình Định hiện có nhiều tiềm năng cho việc phát triển kinh tế xã hội như hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường biển... Cảng biển quốc tế Quy Nhơn hiện cũng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Quỹ đất dành cho việc phát triển công nghiệp khá lớn với bờ biển dài, vùng lãnh hải rộng và nhiều tài nguyên khoáng sản quý cũng như tiềm năng.
Những điều này giúp cho tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế để phát triển về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông, thủy sản, phát triển năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ logistics...
Hiện nay, tỉnh Bình Định có độ phủ rừng đến 58%, hội tụ điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn có chứng chỉ xanh cho sản xuất cũng như xuất khẩu.
Tỉnh Bình Định hiện là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu trên cả nước.
Theo Quy hoạch của tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Bình Định sẽ trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; nơi đây sẽ là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch văn hóa phía nam của vùng; là trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Dự kiến đến năm 2050, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với mức GRDP bình quân đầu người cũng như tỷ lệ đô thị hóa cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
Ngoài việc định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển, Bình Định cũng hướng đến việc trở thành trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông Tây.
Tỉnh Bình Định được biết đến là tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung với lãnh thổ trải dài 110km theo hướng Bắc - Nam, sở hữu diện tích tự nhiên 6,025km với diện tích vùng lãnh hải 36.000km2.
Đây là tỉnh có đường bờ biển dài 134km và được xem là một trong những đường bờ biển đẹp nhất Việt Nam.
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của miền Trung, tỉnh Bình Định được xem là "điểm sáng" về kinh tế vùng, là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào và vùng Đông Bắc Campuchia.
>> Diện mạo mới lạ của trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ Cam Lâm - Vĩnh Hảo