Tỉnh duy nhất 3 mặt giáp biển 'lên đời' sân bay cấp 4C, sẽ đón được tàu bay thương mại A320/321
Tính chất sử dụng của sân bay tỉnh miền Nam này là dùng chung dân dụng và quân sự.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, cảng hàng không Cà Mau có vị trí, chức năng trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không quốc nội; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Trong thời kỳ 2021-2030, cảng hàng không Cà Mau có cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm và 1.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh là CAT I đầu 27 và giản đơn đầu 09.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không Cà Mau giữ nguyên cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II nhưng công suất đã được nâng lên khoảng 3 triệu hành khách/năm và 3.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh là CAT I đầu 27 và giản đơn đầu 09.
>> Tỉnh có sân bay quốc tế đầu tiên ở vùng Tây Nguyên đón dòng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD 
Trong thời kỳ 2021-2030, hệ thống đường cất hạ cánh cảng hàng không Cà Mau được quy hoạch đường cất hạ cánh với kích thước 2.400m x 45m, trùng tim với đường cất hạ cánh hiện hữu và dịch ngưỡng đầu 09 khoảng 1.100m về phía Đông, kích thước lề vật liệu theo quy định. Tầm nhìn đến năm 2050 giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh đã được quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Đối với nhà ga hành khách, cảng hàng không Cà Mau sẽ mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đáp ứng công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện quy hoạch nhà ga hành khách mới khu vực phía Bắc đường cất hạ cánh, công suất khoảng 3 triệu hành khách/ năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Sân bay Cà Mau
>> Tỉnh duy nhất 3 mặt giáp biển sẽ có sân bay cấp 4C và cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam 
Ngoài ra, trong thời kỳ 2021-2030, quy hoạch kho hàng hóa phía Tây nhà ga hành khách, gần sân đỗ tàu bay hiện hữu, đáp ứng công suất khoảng 1.000 tấn hàng hóa/năm; tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch kho hàng hóa phía Đông nhà ga hành khách mới, đáp ứng công suất khoảng 3.000 tấn hàng hóa/năm.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của cảng hàng không Cà Mau được quy hoạch khoảng 184,22ha. Trong đó, diện tích đất dùng chung do dân dụng quản lý 130ha; diện tích đất hàng không do dân dụng quản lý 21,22ha; diện tích đất do quân sự quản lý 33ha.
Tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Cà Mau khoảng 244,43ha. Trong đó diện tích đất dùng chung do dân dụng quản lý 143,46ha; diện tích đất hàng không do dân dụng quản lý 67,97ha; diện tích đất do quân sự quản lý 33ha.
Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV  và UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất triển khai nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Cà Mau đảm bảo tiếp nhận các tàu bay thương mại tầm trung như A321/320/310 hoặc Embraer 195 là điều cần thiết.
Cụ thể, trong giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không Cà Mau sẽ được đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2400mx45m về phía Bắc và cách đường cất hạ cánh hiện hữu 180m; xây dựng mới đường lăn kết nối sân đỗ hiện hữu và đường cất hạ cánh mới ở phía Bắc; mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng 4 vị trí đỗ tàu bay tầm trung, thân hẹp; nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu có thể khai thác tới 1.000.000 hành khách/năm. Kinh phí đầu tư cho giai đoạn này ước khoảng 2.253 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
>> Sân bay quốc tế đầu tiên vùng Tây Nguyên chính thức ra mắt 
Định hướng đến năm 2050, cảng hàng không Cà Mau tiếp tục tiến hành cải tạo đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45m (xây dựng trong giai đoạn 2030) thành đường lăn song song; xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45m ở phía Nam và cách đường lăn song song 180m; xây dựng các đường lăn nối; xây dựng mới khu hàng không dân dụng ở phía Bắc.
Theo ACV, kế hoạch xây dựng mở rộng cảng hàng không Cà Mau giai đoạn đến năm 2030 cần khoảng 38 tháng, trong đó việc lập, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không Cà Mau, đồng thời lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình chấp thuận chủ trương đầu tư cần khoảng 6 tháng; thời gian thực hiện là 32 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách 2 cao trình có công suất 200.000 hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Hiện Cảng hàng không Cà Mau đang được VASCO khai thác 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau - TP.HCM và ngược lại, tần suất 4 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72.
Cà Mau là một tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển lên đến 254km.
>> Tỉnh duy nhất Việt Nam có 3 mặt giáp biển sắp có khu bảo tồn biển 27.000ha 
Tỉnh có sân bay quốc tế đầu tiên ở vùng Tây Nguyên đón dòng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD 
Đạm Cà Mau ‘bắt tay' tập đoàn hoá dầu Trung Quốc, chi 700 triệu USD xây thêm nhà máy