Tỉnh giàu nhất miền Tây 'hẹn' thông xe kỹ thuật tuyến huyết mạch nghìn tỷ kết nối TP. HCM
Hiện tuyến đường huyết mạch kết nối tỉnh này với TP. HCM có tổng vốn đầu tư hơn nghìn tỷ đã thi công đạt gần 50% kế hoạch, dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2024.
Tuyến huyết mạch nối Long An và TP. HCM dự kiến thông xe vào cuối năm
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Long An, Dự án Đường tỉnh 823D – Trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An với TP.HCM hiện đã đạt 49,85% kế hoạch thi công, với giá trị thực hiện đạt 471,6 tỷ đồng, theo Báo Long An.
Tuyến đường tỉnh 823D là tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Long An, có tổng chiều dài 14,2km. Tuyến đường bắt đầu tại kênh Ranh kết nối với đường mở mới Tây Bắc và kết thúc tại nút giao quốc lộ N2 với đường Hồ Chí Minh.
Quy mô tuyến đường bao gồm 4 làn xe, mặt đường rộng 14m, cùng hai làn song hành rộng 7m, và nền đường có độ rộng từ 32-40m.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.105 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 1.000 tỷ đồng do Liên danh CTCP Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương, Công ty TNHH Hoàn Hảo và Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Trung Thành đảm nhiệm thi công.
Hiện nay, các nhà thầu đã đắp cát nền đường gần 14km, hoàn thành sỏi đỏ hơn 12km và cấp phối đá dăm khoảng 10km. Bên cạnh đó, hơn 2,5km đã được thảm bê tông nhựa. Để đảm bảo tiến độ, các đơn vị thi công đã huy động khoảng 60 phương tiện và gần 100 cán bộ, công nhân để tổ chức thi công theo 8 mũi.
Dự kiến, đến cuối tháng 12/2024, dự án sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến và hoàn tất các hạng mục để đưa vào sử dụng vào tháng 6/2025.
Theo ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Long An, khi hoàn thành, đường tỉnh 823D sẽ kết nối với nhiều tuyến giao thông huyết mạch như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ N2, đường Vành đai 3 TP. HCM; góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, và thu hút đầu tư tại huyện Đức Hòa, tăng cường liên kết vùng với TP. HCM.
Dự án hạ tầng giao thông khác kết nối giữa Long An và TP. HCM còn hạn chế
Mặc dù có vị trí liền kề với TP. HCM, nhưng so với Bình Dương và Đồng Nai, hạ tầng giao thông kết nối Long An với TP.HCM hiện còn nhiều hạn chế. Các tuyến đường hiện hữu tại khu vực phía Bắc và Nam kết nối TP. HCM với Long An đang có quy mô nhỏ hẹp và thường xuyên quá tải.
Ngoài tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM đã được khởi công từ tháng 6/2023, cả TP. HCM và Long An đang tiếp tục đầu tư vào hàng loạt dự án để giải quyết bài toán giao thông giữa hai địa phương. Trong đó, đáng chú ý là dự án quốc lộ 50B với tổng vốn đầu tư 18.600 tỷ đồng, kết nối trực tiếp TP. HCM, Long An và Tiền Giang, đi qua 4 huyện của Long An gồm Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành.
Sở GTVT TP. HCM cũng đang đề xuất kéo dài đường Võ Văn Kiệt đến KCN Hải Sơn - Tân Đô, huyện Đức Hòa, Long An. Dự án này có chiều dài 12,5km, mặt đường rộng 60m, với tổng vốn đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng, được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ngoài ra, một số dự án khác đang được đề xuất như mở đường mới phía Tây Bắc dài 8km, rộng 40m và Dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Đường Nguyễn Văn Bứa sẽ được mở rộng từ Ngã Ba Giồng đến cầu tỉnh lộ 9, cùng việc xây dựng mới cầu Lớn. Dự án này dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2024-2028.
Tỉnh Long An lọt danh sách 5 tỉnh giàu nhất miền Tây vào năm 2022. Thu ngân sách năm 2023 của tỉnh Long An đạt ngưỡng 21.000 tỷ đồng và thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ.
>> Việt Nam sắp có siêu cảng logistics thông minh đầu tiên tại ASEAN