Tính lãi 0,05%/ngày đối với trường hợp chậm nộp phạt vi phạm giao thông
Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021).
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Những điều cần biết về tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168” do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức, đại diện Cục CSGT cho biết, do mức phạt tiền cao hơn giá trị chiếc xe nên nhiều người vi phạm giao thông không đến nhận lại xe khiến nhiều bãi giữ xe quá tải.
Để giải quyết vấn đề này, đại diện Cục CSGT cho biết: “Khi đủ thời gian đảm bảo theo quy định của pháp luật, chúng tôi lập hội đồng sung công và bán thanh lý phương tiện theo quy định, nộp tiền vào ngân sách”.
Ngoài ra, khi bị tạm giữ giấy phép lái xe, người dân sẽ không được cấp/đổi giấy phép lái xe mới. Trên hệ thống quản lý của CSGT đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ. Như vậy, nếu người vi phạm không đến giải quyết thì sẽ không có giấy phép lái xe .
Khi tham gia giao thông, nếu không có giấy phép lái xe, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử lý rất nặng.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cá nhân vi phạm phải nộp phạt 1 lần; trong trường hợp cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về kinh tế, thiên tai, dịch bệnh được nộp phạt nhiều lần nhưng không quá 3 lần.
Trong thời hạn quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Ngoài ra, đại diện Cục CSGT cũng cho biết thêm: “Dù quy định xử phạt rất nghiêm khắc nhưng lượng vi phạm bị phát hiện vẫn còn cao, chứng tỏ chúng ta cần tiếp tục kiên trì, duy trì đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xử lý các trường hợp vi phạm”.
Người dân nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu đèn giao thông - Ảnh: Chiến Công |
Tại Nghị định 168/2024, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt hành chính tăng cao, gấp hàng chục lần, thậm chí có lỗi vi phạm mức xử phạt tăng gấp 50 lần so với quy định cũ.
Một số lỗi vi phạm bị xử phạt rất nặng theo Nghị định 168/2024 như: mức xử phạt hành chính đối với xe ô tô nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông  là 18 - 20 triệu đồng (mức cũ là 4 - 6 triệu đồng); đối với xe máy là 4 - 6 triệu đồng (mức cũ là 800.000 đồng - 1 triệu đồng).
Mức xử phạt hành chính tăng đến 50 lần nếu tài xế ô tô mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông. Cụ thể, mức xử phạt được áp dụng từ 1/1/2025 là từ 20 - 22 triệu đồng (mức cũ từ 400.000 đồng - 600.000 đồng).
Sau khi áp dụng quy định xử phạt mới, ý thức chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông cũng như ý thức tham gia giao thông của người dân đã cải thiện.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), trong ngày đầu áp dụng mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định mới, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 13.600 trường hợp vi phạm, số tiền phạt ước tính gần 28 tỷ đồng; tạm giữ 82 xe ô tô, 4.050 xe mô tô, 111 phương tiện khác và tước 2.603 giấy phép lái xe các loại.
Kiểm tra hệ thống đèn tín hiệu giao thông để người dân không bị xử phạt oan 
Từ 1/1/2025, không mang theo GPLX khi tham gia giao thông bị xử phạt thế nào?