Tỉnh miền Bắc sắp lên TP trực thuộc Trung ương được phê duyệt đầu tư dự án trạm biến áp 220kV gần 500 tỷ
Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho địa phương và hệ thống điện miền Bắc.
Theo thông tin từ Báo Chính Phủ, UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND, chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt nhà đầu tư cho dự án Trạm biến áp  220kV Tam Điệp và hệ thống đấu nối.
Nhà đầu tư được lựa chọn là Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
Dự án Trạm biến áp 220kV Tam Điệp và hệ thống đấu nối có công suất 500MVA, trong đó giai đoạn đầu sẽ lắp đặt 250MVA. Dự án được thực hiện tại phường Tân Bình, TP. Tam Điệp và xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Tổng mức đầu tư cho dự án là hơn 466 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như nhà điều khiển trạm, nhà nghỉ ca vận hành, sân thiết bị phân phối 220kV, sân thiết bị phân phối 110kV, đường vào trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ khác. Đường dây 220kV đấu nối có chiều dài khoảng 1km.
Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho tỉnh Ninh Bình và hệ thống điện miền Bắc, đồng thời hỗ trợ các trạm biến áp 220kV hiện có trong khu vực. Dự án còn góp phần tăng cường khả năng vận hành an toàn và ổn định của hệ thống điện quốc gia, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN và EVNNPT.
Về tiến độ, dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng và pháp lý khác từ nay đến quý IV/2025. Giai đoạn từ quý IV/2025 đến quý IV/2026 sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục công trình và đóng điện, đưa dự án vào hoạt động.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu EVNNPT triển khai các bước tiếp theo của dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, và các quy định hiện hành.
Ninh Bình là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng và nằm ở cửa ngõ cực Nam miền Bắc, Việt Nam. Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
>> Đề xuất làm dự án đường sắt ven biển kết nối 4 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng