Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình sẽ được khởi công vào cuối năm 2024
Theo thiết kế, tuyến đường này có 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h, bề rộng nền đường 24,75m và các công trình phụ trợ trên tuyến.
Liên quan đến công tác chuẩn bị xây dựng cao tốc  Ninh Bình – Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình), ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị bài bản, đảm bảo các điều kiện và thực hiện đồng bộ các hạng mục. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường, và thiết kế theo chuẩn đường bộ cao tốc. Chúng tôi cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 12 khu tái định cư và đôn đốc xây dựng để người dân trong diện giải phóng mặt bằng sớm ổn định cuộc sống. Các bước triển khai dự án đang đúng tiến độ, dự kiến khởi công vào tháng 12/2024".
Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình, cho biết thêm: “Chúng tôi đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu 05, 06, 07, 08, 09. Đồng thời, trình Cục Đường cao tốc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, lấy ý kiến của các tổ chức và đơn vị liên quan cũng như tham vấn cộng đồng dân cư về việc lập dự án. Chúng tôi đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án".
>> Tỉnh giàu nhất Việt Nam sẽ trở thành trung tâm đô thị mang tầm quốc tế 
Theo ông Nguyễn Quang Minh, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án này là gần 200ha. Phạm vi giải phóng mặt bằng đã được xác định và bàn giao cho các địa phương làm cơ sở để kiểm đếm sơ bộ. Các huyện đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình để xác định các loại đất và đơn giá đền bù.
Ngoài ra, việc xác định quy mô và đối tượng tái định cư đang được đẩy mạnh, đồng thời khẩn trương thực hiện các thủ tục xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án. Theo thiết kế, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ xây dựng 12 cầu, bao gồm 9 cầu trên tuyến chính và 3 cầu vượt ngang. Bên cạnh đó, ba nút giao sẽ được xây dựng trên tuyến, bao gồm nút giao Khánh Dương (giao tuyến cao tốc CT 08 và ĐT 483B tại Km5+450), nút giao Khánh Nhạc (giao QL10 tại Km15+950) và nút giao Khánh Cường (giao đường Kim Sơn - Bái Đính tại Km25+850).
Bộ Giao thông vận tải nhận định tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối các tỉnh khu vực Nam sông Hồng, khu vực Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, và các tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Hồng.
Việc đầu tư tuyến cao tốc này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Sau khi tuyến đường hoàn thành, nó sẽ kết nối với các tuyến cao tốc như cao tốc Bắc Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, và các quốc lộ như Quốc lộ 10, Quốc lộ 1, Quốc lộ 21, Quốc lộ 37 mới. Các trục phát triển kinh tế như đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành cũng sẽ được kết nối. Đồng thời, tuyến đường này sẽ kết nối với cảng hàng không quốc tế Cát Bi, sân bay quốc tế Vân Đồn và các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Với tính chất và vai trò là đường liên vùng, việc đầu tư và khai thác đồng bộ tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ trong khu vực, giữa các địa phương duyên hải Bắc Bộ, góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, trải dài qua huyện Yên Khánh và huyện Yên Mô. Điểm đầu là nút giao Mai Sơn (thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô) giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, điểm cuối là cầu Tam Tòa (Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Tổng chiều dài đoạn này là 25,3km.
Quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120km/h, bề rộng nền đường 24,75m và các công trình phụ trợ trên tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến là 6.865 tỷ đồng (nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh), thời gian dự kiến thực hiện là giai đoạn 2024-2029.